Tổng cục Thống kê đã công bố GDP quý 3 âm 6,17%, 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%. Cho thấy kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các chuỗi sản xuất bị đứt gãy, doanh nghiệp không hoạt động, người lao động mất việc làm hoặc giảm lương. Cuộc sống của người dân bị xáo trộn nghiêm trọng.
Để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước... với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, mức hỗ trợ còn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (11,4% GDP), Malaysia (5,3% GDP),…
Vì nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 của nước ta là khoảng 10,45 tỷ USD, chiếm khoảng 2,84% GDP của cả nước.
Chưa kể, chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính cho doanh nghiệp, người lao động, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế.
Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ đang thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ để thúc đẩy quá trình phục hồi, giúp nền kinh có sức chống chịu các cú sốc trong tương lai.