Doanh nghiệp du lịch: Khó từ dịch bệnh lẫn chính sách hỗ trợ

(khoahocdoisong.vn) - Dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khiến nhiều doanh nghiệp du lịch đang chịu nhiều thiệt hại. Thế nhưng, chính sách hỗ trợ lại không phải là sự chờ đợi của doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn.

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm 2020 do Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa mở cửa du lịch quốc tế. Song song đó, du lịch trong nước cũng sụt giảm nghiêm trọng so với thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện. Doanh thu từ du lịch lữ hành chỉ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Ceo Công ty AZA Travel cho biết, trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Công ty đã lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu "hồi" lại nhưng kế hoạch này đã phải dời lại. Nhiều dịch vụ mới được doanh nghiệp triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè 2021, nhưng mọi thứ lại bị “đóng băng”. Bán được tour cho một khách đã vất vả, giờ cả nghìn khách huỷ, cảm giác lúc này là oải. “Sau những "cú đấm bồi liên tiếp" từ các đợt dịch trước, sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất vốn đã yếu, nay lại thêm lao đao”, ông Đạt bày tỏ.

Tại Công ty VietSense Travel, ngay từ sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp này đã dành toàn bộ nguồn lực, tâm huyết để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới với mức giá hợp lý nhằm đón đầu mùa du lịch hè 2021 với tất cả niềm tin, hi vọng sẽ có một “mùa vàng bội thu” nhằm cứu vãn chút ít những mất mát sau 3 đợt “sóng thần” Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, VietSense Travel không có giao dịch mới. Đau đầu hơn là gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 đều yêu cầu hoãn, hủy tour. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho biết, vì nguồn lực đã cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng.

Trước tình cảnh khó khăn trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Nội dung sửa đổi hướng tới việc giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả các dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế) với thời gian áp dụng là 2 năm. Theo tính toán của Tổng cục Du lịch, đơn vị chủ trì soạn thảo Dự thảo, sau 2 năm nữa, hoạt động du lịch quốc tế sẽ khôi phục khi việc tiêm phòng văcxin Covid-19 đã được triển khai rộng rãi. Vì vậy, việc giảm mức ký quỹ trong 2 năm là vừa đủ để giúp doanh nghiệp tạo dòng tiền vào, hỗ trợ khó khăn, duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, quảng trường Lâm Viên Đà Lạt vắng khách.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, quảng trường Lâm Viên Đà Lạt vắng khách.

Chính sách hỗ trợ không rõ ràng

Chia sẻ quan điểm này, trong văn bản góp ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc sửa đổi các quy định nhằm giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đề nghị này dự kiến sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành và các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả sự chờ đợi của doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn cách ngừng hoạt động.

Bởi trong tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP, số lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép. Chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc, nhưng trong đó, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch. Do vậy, đang có hai câu hỏi được đặt ra: Các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh này có thể rút khoản tiền ký quỹ trong thời hạn tạm ngừng hay không? Và các doanh nghiệp đã ký quỹ, đang hoạt động có thể được hưởng ngay mức giảm này không? Nếu câu trả lời là không, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn của Dự thảo sẽ không rõ.

Cũng theo nội dung Dự thảo, mức giảm trên sẽ được áp dụng từ ngày ký ban hành Dự thảo đến ngày 31/12/2023. Như vậy, có thể hiểu, các doanh nghiệp đã nộp ký quỹ sẽ không được hưởng mức giảm này. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nêu, đối tượng doanh nghiệp tạm ngừng cũng không được tính tới, nghĩa là cơ hội để được tạm rút khoản tiền đã ký quỹ như các doanh nghiệp mong muốn là không có.

Đại diện VCCI cho rằng, ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung trường hợp doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể được rút tiền ký quỹ (nếu trong trường hợp doanh nghiệp không muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh và bị thu hồi giấy phép), điều này, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Dự thảo cũng nên quy định trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể như: Doanh nghiệp gửi thông báo tới cơ quan cấp phép về việc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan cấp phép sẽ cấp văn bản xác nhận việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây chính là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện việc rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng thương mại. Thông tin tạm ngừng kinh doanh sẽ được công khai trên website của cơ quan cấp phép và của doanh nghiệp. Khi hết thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải nộp đủ tiền ký quỹ, chứng minh đã nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định và thực hiện hoạt động kinh doanh.

“Việc thiết kế quy định về tạm ngừng kinh doanh vừa cho phép doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ trong thời gian không hoạt động, vừa không phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép khi quay trở lại hoạt động. Nhờ đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc công khai thông tin doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp vẫn có hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành thì việc hạ mức tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp về vấn đề tài chính”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top