Doanh nghiệp du lịch “khó gượng” qua làn sóng thứ hai của dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch vừa nhúc nhắc hoạt động trở lại sau thời gian đóng băng vì dịch Covid-19 lần thứ nhất, nay sẽ khó cầm cự qua được ảnh hưởng nặng do đợt bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng lần thứ hai.

Thiệt hại lớn

Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Tây Bắc cho biết, trong tháng 8, doanh nghiệp có khoảng 15 đoàn với gần 400 khách. Nhưng "đoàn đi đảo Lý Sơn đã hủy. Các tour truyền thống Hà Nội - Hạ Long - Ninh Bình - Sa Pa với các đoàn khách TPHCM ra miền Bắc, tour Nha Trang - Đà Lạt... thậm chí tour khởi hành trong tháng 9 khám phá cung đường Đông – Tây Bắc mùa lúa chín, khách cũng hủy nốt" - ông Tùng nói.

Bà Nguyễn Thị Như Ngọc, đại diện Công ty TNHH Exotic Vietnam cũng cho biết, sau khi dịch bùng phát trở lại "nhân viên công ty chỉ tập trung xử lý hoãn hủy cho khách. Oái oăm thay toàn những tour đi Long Hải, Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Cần Thơ…".

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc Viettourist cho biết, từ ngày 25/7, hầu như khách chỉ để tour, mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng thương lượng dời lịch hoặc đổi địa điểm, nhưng với tâm lý lo ngại dịch bệnh, khách hàng chỉ nhất quyết hủy, dù khó có thể được hoàn toàn bộ số tiền đã thanh toán.

Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng bùng phát những ngày vừa qua đã khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch lữ hành gặp khó. Báo cáo sơ bộ của 11 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trên địa bàn TPHCM cho thấy, khách hủy chương trình du lịch hàng loạt. Chỉ riêng hai ngày 26 - 27/7/2020, đã có 20.970 khách hủy tour tại Vietravel, tương đương với doanh thu dự kiến 88,6 tỷ đồng. Đồng thời, hơn 10.000 khách cũng đã hủy tour tại Lữ hành Saigontourist. Những doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Lữ hành Fidi, Công ty du lịch Hòa Bình, Công ty du lịch TST, Công ty Đất Việt... cũng có từ 5.000 khách hủy trở lên.

Đáng chú ý, các tour du lịch bị hủy không chỉ là các chuyến đến Đà Nẵng, Hội An mà còn cả nhiều chương trình đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt cũng bị hủy. Bên cạnh đó, các chuyến đi bị hủy này thường là các chuyến sát ngày, đơn vị du lịch lữ hành đã thanh toán 100% tiền cho các đối tác, việc hủy tour đã khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay xở hoàn tiền cho khách hàng.

Một chuyến bay chở khách du lịch từ TPHCM đến Phú Quốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2. Ảnh: Hữu Thông

Một chuyến bay chở khách du lịch từ TPHCM đến Phú Quốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2.

Ảnh: Hữu Thông

Doanh nghiệp khó, nhân sự chịu đầu tiên 

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, tình trạng hủy phòng khách sạn ngày một tăng, mặc dù số ca phát hiện Covid-19 ở tỉnh này không nhiều và chưa thực hiện giãn cách. Cụ thể, khách đặt phòng cho tháng 8 gần như "kín" hết tất cả các khách sạn từ bình dân đến cao cấp, tuy nhiên, ghi nhận đến hết ngày 31/7, có tới 16.000 phòng bị hủy, ước tính thiệt hại lên tới 19 tỷ đồng cho thị trường khách sạn nơi đây.

"Sau thời gian giãn cách lần 1, lượng khách đến Đà Lạt, Lâm Đồng đang dần phục hồi, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7 đã đạt 140 nghìn lượt khách đến. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng" - đại diện Sở này cho biết thêm.

Theo một số chuyên gia, việc hủy tour làm tâm lý "hiệu ứng domino" của người dân dẫn đến cả các điểm đến không nằm trong vùng dịch. "Việc hoãn, hủy tour trong giai đoạn này là cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ Nhà nước kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã có nửa đầu năm "đen tối", việc khách hủy tour đợt này sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp du lịch đến ngưỡng nguy hiểm về kết quả hoạt động, vị chuyên gia này nhận định.

Với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính thì có thể bằng nhiều cách xử lý khủng hoảng, nhưng với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thì là một thách thức.

“Khách thì không hiểu các khoản cọc với đối tác. Ví dụ như phía khách sạn thì phương án họ đề nghị là bảo lưu để ổn định có đoàn cấn trừ thời gian tới. Mỗi ngày hoàn tiền tour cả tỷ đồng, đoàn ít cũng vài chục triệu, đoàn lớn thì vài trăm triệu đồng. Thật sự rất căng, ai không đủ tiềm lực hay chuẩn bị không tốt về tài chính thì phá sản như chơi” - ông Trần Thanh Vũ, đại diện VinaGroup lo ngại.

Hiệp hội Du lịch TPHCM đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch cùng khoảng 20 địa phương trên cả nước kiến nghị có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đàm phán hoãn hủy tour, đề nghị các đơn vị cung ứng chia sẻ tổn thất với đơn vị lữ hành. Sở Du lịch TPHCM cũng đã có một số kiến nghị tới UBND TP về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp. Đồng thời nghiên cứu, chuẩn bị kịch bản khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bà Lê Thị Việt Hà, phụ trách Truyền thông Công ty TNHH Du lịch HIS Sông Hàn Việt Nam cho biết, công ty có hơn 400 nhân viên nhưng tạm thời đã phải dừng gia hạn với số nhân viên hết hạn hợp đồng.

"Công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên đỡ khó khăn hơn. Nhưng những tác động liên tục của dịch Covid-19, doanh số công ty vẫn bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt đợt dịch lần 2 khiến 50% số tour du lịch nội địa bị hủy bỏ. Ngoài bộ phận chi nhánh ở Đà Nẵng, các chi nhánh khác chúng tôi buộc phải cho nhân viên làm việc luân phiên, mỗi tháng nghỉ 3 ngày không lương. Đối với số nhân viên đã hết hạn hợp đồng, tạm thời chúng tôi cũng không gia hạn trong thời điểm hiện tại vì không đủ khả năng chi trả" - bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, công ty đang phối hợp cùng du khách, đối tác để thay đổi dịch vụ theo nhu cầu chuyển tour, dời tour của phần lớn khách hàng sau khi điểm đến Đà Nẵng ngừng hoạt động. Đồng thời, công ty cũng tăng cường liên kết với các sở, ban, ngành để phát triển sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong thời điểm này và liên kết với đối tác để có chính sách giá tốt cho sản phẩm hè - thu.

Tại Công ty BenThanh Tourist, dù không cắt giảm nhân sự, nhưng công ty cũng phải cho nhân viên luân phiên nghỉ, nhân viên có thể sắp xếp làm việc từ xa, giải quyết công việc online.

"Ban lãnh đạo công ty vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định cắt giảm, định biên nhân sự nào. Thay vào đó, công ty thực hiện chế độ trả lương tối thiểu vùng áp dụng cho toàn hệ thống từ nhân viên đến quản lý cấp cao và được trả đều đặn hàng tháng" - bà Trần Phương Linh, Giám đốc Truyền thông Công ty BenThanh Tourist cho biết.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top