Chị giúp việc người Philippin bị chủ nhà người Singapore đối xử tàn tệ (ảnh minh họa)
Vụ chủ nhà đối xử tàn ác với người giúp việc thật kinh sợ. Người với người với nhau mà sao có thể đối xử với nhau không bằng thú vật như vậy.
Sự độc ác của con người dường như không có giới hạn. Nhưng điều khiến tôi cứ day dứt mãi, là tại sao cũng là một con người lại có thể chịu để người ta đối xử tàn tệ như vậy với mình. Bị bắt ăn phân, để bị dội nước sôi vào người… mà vẫn cam chịu ở lại tiếp tục làm việc cho người ta, mãi đến khi vết thương chữa mãi không khỏi, người ta cho về nhà mới thoát.
Con người dường như đã bị tê liệt mất hết mọi sự phản kháng rồi hay sao.
Gần nhà tôi có một gia đình đưa người giúp việc từ quê lên trông con. Họ đối xử với bà ấy cũng rất tệ. Đi làm là khóa cửa, nhốt trong nhà, bắt ăn cơm nguội, 9h tối còn bắt đi lau nhà, hết việc thì nghĩ thêm việc lau tường, không lúc nào nghỉ. Họ lại còn vô lý đến mức khoán cho bà ấy trong vòng mấy tháng thằng bé con (6 tháng tuổi) phải tăng được 2kg.
Hàng xóm biết chuyện, thương lắm. Cũng có người muốn đưa bà ấy về giúp việc nhà mình, nhưng lại ngại mẹ con nhà kia ghê gớm lại làm ầm lên. Thế là cũng không ai giúp được gì.
Rồi một ngày thấy bà giúp việc khăn gói về quê, vừa đi vừa khóc, vừa chửi mẹ con nhà kia. Ai cũng thở phào, vì cuối cùng bà ấy cũng tự giải phóng cho mình.
Trong Chiến tranh và Hòa bình, Lev Tolstoi có viết: Chính kẻ nô lệ tạo nên tên độc tài. Ngẫm thấy đúng thật. Chính những người cam chịu đến mức nhẫn nhục trước mọi sự đối xử tàn tệ đã khiến cho cái ác có điều kiện phát tác.
Nếu bà giúp việc kia phản đối ngay từ lần đầu cách đối xử của bà chủ, hoặc ít ra thì cũng từ chối không làm nữa nếu thấy bị đe dọa…thì bà chủ đó liệu có dám, hay liệu có cơ hội để hành xử như vậy không?
Nói thế có vẻ như là đổ lỗi cho nạn nhân. Nhưng rõ ràng ở đây có vấn đề về nhận thức, lối sống bởi trước hết mỗi người cần phải có ý thức về nhân phẩm của mình. Có như thế mới không để ai xúc phạm và cũng không xúc phạm đến người khác.
Minh Anh