Thời thế sẽ mãi thay đổi dù bạn có muốn hay không. Trong lịch sử, chưa hề có một công ty nào “sống sót” nếu chỉ cung cấp mỗi một loại sản phẩm với chiến dịch marketing và lợi thế cạnh tranh không thay đổi trong thời gian dài.
• Sức mạnh của content marketing tích cực
• Tiếp thị kiểu truyền thống: Cũ vẫn hiệu quả
Dù xu hướng tiếp tục “ổn định” có hấp dẫn đến mấy. Thay đổi luôn là một yếu tố tất yếu để sống còn, và Intel là một trong những công ty nhìn nhận ra điều này từ rất sớm.
Đó là vào những năm 1990, khi thương hiệu được biết đến như “xưởng làm chíp” này quyết định gia tăng tầm quan trọng của mình trong mắt người dùng, quyết tâm trở thành tiêu chí hàng đầu để lựa chọn khi mua sắm máy tính.
Vào thời điểm đó, nhu cầu sở hữu máy tính cá nhân ngày một cao khiến các tiệm máy tính luôn đông nghẹt khách hàng.
Nhưng các người khách này lại lựa chọn sản phẩm dựa vào các tính năng, hoặc đơn giản chỉ là được người quen giới thiệu.
Làm gì có ai quan tâm đến con chíp nhỏ xíu nằm sâu trong máy không thể nào thấy được bằng mắt thường.
Giữa tâm điểm mua sắm “hỗn loạn” kia, Intel đã nhận ra được cơ hội có một không hai để đi vào lịch sử.
Các lãnh đạo cao nhất của Intel đồng ý rằng chiến dịch này sẽ đem về một thị trường khổng lồ cho công ty, nhưng với một điều kiện, Intel phải sẵn sàng bỏ ra hằng trăm triệu USD để “giáo dục” khách hàng tới cùng.
Kế hoạch: Chiến dịch “song kiếm” Intel Inside
Đầu tiên là việc phối hợp quảng cáo với chính các đối tác sản xuất. Intel trực tiếp trả tiền cho các hãng sản xuất máy tính để đổi lại một logo “Intel Inside” gắn bên ngoài máy.
Song song đó là hàng loạt quảng cáo khắp mọi phương tiện truyền thông, nhấn mạnh về thế mạnh công nghệ của Intel và tách biệt Intel ra khỏi tên tuổi các “xưởng” cung cấp linh kiện thông thường.
Thông qua kế hoạch truyền thông “song kiếm hợp bích” kia, Chíp Intel dần trở thành một phần cốt lõi trong mỗi bộ máy tính, và người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm và lựa chọn máy tính cá nhân với “chỉ tiêu Intel” đặt hàng đầu.
Từ đó, Intel nhanh chóng đạt được lợi thế cạnh tranh về thương hiệu trên thị trường, đem về một khoản doanh thu khổng lồ để đầu tư thêm vào nghiên cứu và phát triển.
Và CES – Đại Tiệc Công Nghệ vực dậy cả một đế chế Intel
1993 là một năm đột phá của Intel khi ban quản trị của tập đoàn này quyết định “chơi lớn” tại Triễn lãm công nghệ quốc tế CES.
Một khoản ngân sách khổng lồ được duyệt nhằm mục đích biến Intel từ một công ty sản xuất chip trở thành một thương hiệu tượng trưng cho chất lượng.
Không gian trưng bày của Intel lớn đến nỗi nhà tổ chức phải chật vật thương thuyết lại với những khách hàng khác nhằm cung cấp đủ diện tích cho Intel.
Không phụ lòng mong đợi, Intel đã tạo được một tiếng vang cực lớn trong buổi triển lãm. Từ đó trở đi, CES trở thành một địa điểm để gã khổng lồ công nghệ liên tục phô bày sức mạnh của mình.
Trong không gian của Intel, hàng loạt màn hình được xếp chồng lên nhau và dọc khắp các bức tường để biến cả khu vực trở thành một trải nghiệm của tương lai.
Intel còn chi một khoản tiền không nhỏ để xuất hiện trên mọi ấn phẩm truyền thông trước ngày diễn ra sự kiện, đảm bảo rằng tất cả khách tham quan CES đều biết đến sự tồn tại của khu vực “Trải nghiệm Intel”.
Kết quả
Intel nhanh chóng đạt được mục đích của mình, khách hàng dần bắt đầu tìm kiếm dấu hiệu “Intel Inside” khi mua sắm máy tính cá nhân.
Intel trở thành một trong những biểu tượng của chất lượng đối với hàng triệu người “mù công nghệ” trên khắp thế giới.
Những người không hề biết bo mạch chủ hay RAM máy tính là gì, họ chỉ biết trong đó có “Chip Intel”, và thế đã là quá đủ.
Chiến dịch “Intel Inside” thành công đến mức nó được kéo dài đến tận hơn 2 thập kỷ, và trở thành một bài học kinh điển trong tạo dựng thương hiệu tại nhiều trường kinh doanh danh tiếng trên thế giới.
Cùng nhìn thêm một số chỉ tiêu tài chính để hiểu hơn về sự thành công của chiến dịch “Intel Inside”:
– Vào năm 1991, ngay trước khi có sự kiện “Intel Inside”, giá trị vốn hoá thị trường của Intel vẫn chưa tới một tỷ USD. Nhưng đến năm 2003, số vốn kia đã vượt ngưỡng 5 tỷ USD.
– Vào năm 1992, năm đầu tiên mà chiến dịch “Intel Inside” xuất hiện, doanh thu toàn cầu của Intel tăng hơn 63%.
Không những thế, mức độ nhận biết của logo Intel giữa người tiêu dùng Châu Âu tăng lên đến 94% vào năm 1995, trong khi chỉ 24% người dùng biết đến Intel trước khi chiến dịch diễn ra.
– Và vào năm 2001, Intel vươn lên trở thành thương hiệu có giá trị thứ 6 trên toàn thế giới, mở ra một kỷ nguyên đầy thành công cho gã khổng lồ công nghệ.
Lê Thanh Sang (Theo Tri thức trẻ)