Chỉ tiêu GDP 2021 có thể “bất lợi” vì Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Kinh tế Việt Nam 2021 đang phải đối diện với những thách thức lớn do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Theo các chuyên gia kinh tế, trong kịch bản bất lợi, tăng trưởng GDP năm nay có thể sẽ không bằng mức tăng trưởng của năm ngoái.

Dự báo GDP ở mức 1,8 - 2,0%

Theo "Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý 4 và cả năm 2020" vừa phát hành trong tháng 2/2021 của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), với điều kiện Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8%. Đây là kịch bản được nhóm phân tích của VEPR nghiêng về hơn, với giả định văcxin sẽ giúp dịch bệnh không lan rộng trong nước trong phần lớn khoảng thời gian của năm và các hoạt động kinh tế dần trở lại trạng thái bình thường, từ nội địa đến toàn cầu.

Theo VEPR, các sự kiện chính trị quan trọng cũng được kỳ vọng sẽ kích hoạt nền kinh tế đi lên. Theo đó, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước. Do đó, đây là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc Mỹ có tổng thống mới cũng sẽ thay đổi đáng kể môi trường địa chính trị trên toàn cầu, ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19, đặc biệt với biến thể mới, diễn biến phức tạp ở trong nước khiến hoạt động kinh tế nội địa bị gián đoạn, thì năm 2021 có thể không đạt được mức tăng trưởng của năm 2020. Trong bối cảnh Việt Nam hiện phải ứng phó với dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng từ cuối tháng 1, dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 có thể còn thấp hơn năm ngoái.

Cụ thể, theo VEPR, ở kịch bản bất lợi này, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%. Các hoạt động kinh tế bị gián đoạn khi bệnh dịch trong nước bùng phát với biến thể mới của Covid-19. Đi cùng đó là tình hình thế giới chưa có nhiều cải thiện, các nỗ lực đưa văcxin vào cuộc sống nhưng chưa hiệu quả. Việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi, kéo theo các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình trạng hạn chế đi lại và sinh hoạt do bệnh dịch. “Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt”, báo cáo của VEPR nhận định.

Thực tế cũng cho thấy, dịch bệnh Covid-19 lan rộng trong cộng đồng từ ngày 28/1 với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới đã gần như thay đổi toàn bộ đánh giá lạc quan của nền kinh tế trong năm nay. Sự lo ngại này càng có cơ sở hơn khi dịch bệnh xuất hiện vào thời điểm trước thềm kỳ nghỉ lễ dài và quy mô nhất trong năm. Các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch và du xuân không còn như các năm trước, thậm chí việc giãn cách xã hội đã và vẫn còn đang thực hiện ở một số khu vực.

“Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt”, báo cáo của VEPR nhận định.

“Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt”, báo cáo của VEPR nhận định.

An sinh xã hội vẫn cần ưu tiên hàng đầu

Hiện tại, các thống kê mới nhất vẫn chưa lượng hóa được tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 4 mới xuất hiện, vì số liệu nằm ngoài khoảng thời gian thống kê. Theo báo cáo vĩ mô tháng 1 của Công ty chứng khoán Mirae Asset, hoạt động bán lẻ và tiêu dùng tháng 1 tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ (tăng 6,7% nếu loại yếu tố tăng giá) là nhờ các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng và nhu cầu mua sắm gia tăng trước Tết.

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Việt Nam công bố vào đầu tháng 2 của HSBC mới đây đưa ra nhận định Việt Nam cần cảnh giác vì làn sóng Covid-19 tiếp tục có thể gây ra rủi ro xấu cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế, đặc biệt là các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng và du lịch trong nước. Theo báo cáo, Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ chính sách liên tục và nên hướng đến mục tiêu là người lao động và nhóm doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Còn theo VEPR, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách “trọng cung”, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

VEPR cho hay, trong năm 2020, NHNN đã ba lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai. Tuy nhiên, không gian chính sách không còn rộng rãi như vậy trong năm 2021. Điều này khiến chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội sẽ gặp nhiều hạn chế hơn.

Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức, bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.

Trên phương diện sản xuất, cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới. Do vậy, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc.

Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện một cách cương quyết nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra, đồng thời chia sẻ với nhân dân cả nước trong giai đoạn khó khăn.

Theo Đời sống
back to top