Chỉ phạt hành chính là tiếp tay cho tội ác

Hơn 4.000 con lợn được tiêm thuốc an thần để phục vụ cho mục đích đen tối. Theo tôi, những con người này là thất đức, thất lương tâm. Chỉ phạt hành chính là quá nhẹ, là tiếp tay cho tội ác”, PGS.TS Trần Đáng , nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bày tỏ quan điểm.
http://khoahocdoisong.vn/wp-content/uploads/2017/10/PGS.TS-Tran-Dang-300x200.jpg

Những con người thất đức, thất lương tâm

Vụ việc tiêm thuốc an thần cho hơn 4.000 con lợn tại lò mổ Xuyên Á được dư luận quan tâm, khiến nhiều người giật mình vì thịt lợn vốn là món ăn quen thuộc, phổ thông trong mỗi bữa ăn gia đình. Ông có suy nghĩ gì trước thông tin này?

Đây là sự việc hết sức sửng sốt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP). Tôi không hiểu sao người ta lại làm liều, làm lớn như vậy, hơn 4.000 con lợn. Mà lại được tiêm thuốc an thần để phục vụ cho mục đích đen tối.

Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang gồng mình lên, cố gắng để kiểm soát ATTP, đài báo nói ra rả suốt, vậy mà vẫn vi phạm như thế thì tôi cho rằng là sự cố tình, không chịu giáo dục. Những con người này là thất đức, thất lương tâm, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.

Ông có cho rằng đây là tội ác không?

Thì đúng là tội ác chứ còn gì nữa!

Vì sao ông cho là tội ác?

Vì hiện giờ tôi cứ đánh giá nguy cơ một cách hết sức dân dã như thế này thôi, hơn 4.000 con lợn được tiêm một lần vào lò mổ, mà không biết được tiêm bao nhiêu lần, tiêm bao nhiêu lâu. Thôi thì cứ lấy vụ này là 4.000 con, mà mỗi con một tạ.

Vậy thì bao nhiêu người ăn? Ít nhất khoảng 1 triệu người ăn, trong đó có trẻ em, có phụ nữ mang thai, có người già yếu thì hậu quả như thế nào? Bao nhiêu phụ nữ chết lưu thai? Bao nhiêu người huyết áp tụt có ai đánh giá được không? Nên tôi cho rằng đó chính là tội ác!

Nhưng có ý kiến cho rằng, mỗi người ăn một chút mỗi ngày cũng chưa đủ liều để gây ảnh hưởng lớn. Phải sử dụng một lượng nhất định thuốc gây mê đó trong nhiều ngày liên tiếp mới gây hại nghiêm trọng?

Thuốc này là thuốc tân dược. Chỉ cần với liều rất nhỏ thì đã gây ra phản ứng rất mạnh. Cho nên từ thế kỷ này người ta cấm dùng trên người mà chỉ cho dùng trên thú y thôi.

Mà ngay cả trên thú y cũng không dùng mà chỉ dùng cho những con lợn đẻ dữ tướng, chó mèo đi hung hăng trong khi đi bắt để di chuyển chứ không phải trước khi giết thịt. Thử điều tra xem, có bao nhiêu người bị sự cố do thuốc này gây nên? Tôi cho rằng chắc chắn đã có những sự cố nghiêm trọng liên quan, nhưng không có điều tra, không biết mà thôi!

Phạt hành chính không đủ sức răn đe

Nếu là tội ác, theo như ông phân tích, thì việc chỉ xử phạt hành chính, và tiêu hủy số lợn đó có thỏa đáng không?

Việc xử phạt hành chính trong vụ việc này là hoàn toàn không đúng, lại là tiếp tay cho tội ác. Cũng như vụ bắt hàng giả 20 tấn mà chỉ phạt tiền rồi vẫn cho hành nghề là không được. Làm hàng giả là phải chém đầu.

Như vậy là nên xử lý hình sự?

Cần phải xử lý hình sự, chứ không phải là nên!

Căn cứ nào khiến ông khẳng định như vậy?

Theo điều 244 Bộ luật Hình sự, áp theo khung đó thì phải cho đi tù. Là bởi vì gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm về an toàn thực phẩm, cố tình biết gây tác hại mà vẫn làm. Mà tôi cho rằng đây là một vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả nghiêm trọng như thế nào, thưa ông? Có phải sẽ là rất khó khi chưa thể thống kê xem những người ăn phải thịt lợn đó gặp nguy hại thế nào về sức khỏe hay không?

Tôi cho rằng chẳng có gì khó cả, hơn 4.000 con lợn, chưa kể trước đó còn có thể nhiều lần nữa, bao nhiêu người ăn thì có nghiêm trọng không? Mà tôi nói rồi, trong số đó chắc chắn có phụ nữ có thai, trẻ em, người già, là nghiêm trọng chứ còn là gì nữa. Khi biết độc hại mà cố tình vi phạm thì là khung hình sự chứ còn gì.

Vậy vì sao theo ông, người ta vẫn chỉ xử ở khung phạt hành chính? Có phải do luật ta còn khe hở?

Đúng là luật về ATTP là yếu kém, tôi đã đề xuất là bỏ hết luật hiện hành đi, 28 định nghĩa thì có tới 26 định nghĩa sai. Nhưng chiếu theo luật hiện hành thì vẫn đủ vào khung xử lý hình sự.

Theo tôi có ba nguyên nhân dẫn tới việc xử lý không đúng. Một là do người ta ăn đút lót. Hai là không hiểu biết gì về luật pháp. Ba là không đánh giá được hết những nguy cơ về ATTP.

Trong lúc tình hình thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay thì người tiêu dùng cần phải “thông thái”, tăng cường khả năng nhìn, sờ, nếm, ngửi. Ví dụ, nếu thịt nấu mà thấy nước chảy tràn trề thì vứt đi không thèm ăn. Ngửi mùi, khi sử dụng thấy có cảm giác lạ thì cũng không nên ăn. Tóm lại, một là biết cách chọn mua thực phẩm an toàn. Hai là biết cách chế biến thực phẩm an toàn. Ba là biết cách sử dụng thực phẩm an toàn. Bốn là phải là thanh tra viên về an toàn thực phẩm. Nếu phát hiện vấn đề gì thì phải khai báo thành một mạng lưới rộng khắp đất nước, cho bớt những bọn gian lận đi.

Không làm được thì nghỉ, cho người khác thay

Đây không phải là lần đầu tiên những vụ việc liên quan đến ATTP bị phanh phui. Nhưng điều đó khiến dư luận dấy lên lo lắng: Liệu còn biết bao “tảng băng chìm” mà chúng ta chưa biết, chưa phát hiện. Có phải do lực lượng quản lý ATTP của chúng ta quá mỏng không?

Lực lượng không phải mỏng, đặc biệt riêng về thú y rất đông. Thú y, trong cái ban an toàn thực phẩm của TPHCM đã 200 người rồi. Và cán bộ thú y bây giờ là phủ sóng tới tận xã, tận huyện, chứ không thể nói là mỏng được.

Trong vụ việc này, theo giải thích của cán bộ thú y, thì do lò mổ có thủ đoạn quá tinh vi, lợi dụng lúc đưa lợn từ xe xuống đã tiêm thuốc, cán bộ thú y đứng đó cũng không kiểm soát được. Ngoài ra còn là việc gõ âm thanh cảnh báo giữa các khu vực khi có cán bộ kiểm tra?

Tôi cho rằng, tinh vi đến đâu người quản lý với quyền trong tay cũng vẫn phát hiện ra được.
Thủ đoạn mánh lới thế nào các cơ quan quản lý cũng phải phát hiện được. Thế còn nếu như ông không quản lý nổi thì ông nghỉ đi để những người có đủ trình độ người ta quản lý.

Đưa những người yếu kém lên không làm được lại đi lý giải. Đáng lẽ yếu kém phải xin từ chức để những người làm tốt hơn người ta

Cách lý giải đó, có phần nào thông cảm được không, thưa ông?

Cách trả lời theo tôi cho thấy sự vô trách nhiệm. Thứ hai là phải điều tra xem có ăn phong bì của nhà giết lợn hay không. Mà tôi cho rằng, nhiều khả năng là có đấy!

Trong vụ việc này, theo ông, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính? Cần làm gì để những vụ việc tương tự không xảy ra?

Theo tôi Bộ Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm. Nhưng Bộ Nông nghiệp hiện nay ôm đồm quá nhiều việc, cần phải làm như các nước, chỉ kiểm soát vấn đề nuôi trồng thôi. Thành thực phẩm thì thuộc bộ sức khỏe, như vậy mới có chuyên môn có chuyên ngành để kiểm soát vấn đề.

Chứ hiện giờ tôi hỏi  bác sĩ thú y có biết được cái độc hại của chất an thần này không hay chỉ nghe nói trên báo hay hỏi một vài ông? Có hiểu vì sao dùng lâu thì nó gây nhuyễn xương, thiếu canxi ở xương, ung thư tủy xương không?

Rồi gây rối loạn chức năng sinh dục, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng vận động… Nên phải có chuyên môn phải sức khỏe thì mới thấy được tác hại, từ đó đưa ra những biện pháp tích cực.

Trân trọng cảm ơn ông.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top