Chất thải chăn nuôi: Khó thu gom và tái sử dụng

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều chính sách và công nghệ xử lý ô nhiễm chất thải chăn nuôi đã và đang được áp dụng. Mặc dù vậy, vấn nạn về ô nhiễm môi trường chăn nuôi ngày càng gia tăng vẫn đang là chủ đề nóng của hầu hết các tỉnh trên toàn quốc.  

80% thải ra môi trường

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó, phổ biến là chăn nuôi lợn và gia cầm. Tổng đàn (trước khi có dịch tả lợn châu Phi) là khoảng hơn 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu gia súc.

Không thể phủ nhận, ngành chăn nuôi hiện nay đang hỗ trợ sinh kế cho hàng triệu hộ dân cả nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường khi chất thải chăn nuôi không được xử lý triệt để.

Thực tế, quanh các trang trại chăn nuôi hiện nay, thường xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ yếu là mùi hôi thối khiến cư dân xung quanh khó chịu và thường xuyên phản ánh đến các cấp chính quyền, nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt, ở các cơ sở chăn nuôi lợn đang phát thải khoảng 70 - 90 % khí nitơ và cùng nhiều kim loại nặng có trong thức ăn được thải ra môi trường.

Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi là do các trang trại sử dụng nhiều nước. Như trong chăn nuôi lợn, tính trung bình mỗi con lợn thịt sẽ tốn khoảng 30 lít/ngày. Điều đó khiến chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn ở Việt Nam có tỷ lệ chất khô rất thấp (dưới 0,8%), hầu như không được thu gom để tái sử dụng.

Trong khi các trang trại chăn nuôi sử dụng ít nước đều có thể dễ dàng thu gom chất thải rắn để bán làm phân bón hữu cơ. Chất thải rắn từ các trang trại nuôi bò, dê, cừu và gà hầu như được thu gom tiêu thụ hết cho mục đích trồng rau, hoa, cây cảnh.

Tuy Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích thu gom, tái chế chất thải chăn nuôi, nhưng với  lượng chất thải quá lớn và hạ tầng còn yếu như hiện nay, rất khó có thể thu gom và tái sử dụng. Trung bình, mỗi năm, đàn gia súc, gia cầm trên cả nước thải ra khoảng khoảng 64 triệu tấn chất thải rắn và khoảng trên 63 triệu tấn chất thải lỏng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (sản xuất phân bón, sản xuất điện, khí đốt…), còn lại 80% đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường.

Biogas chỉ mang tính đối phó

Việc phải có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ cao tại các trang trại là điều bắt buộc, là xu hướng tất yếu nếu muốn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, mới chỉ có 20% số hộ chăn nuôi trên toàn quốc có hầm biogas để xử lý chất thải. Nguyên nhân do quy mô chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, lượng thải phát sinh từng hộ thấp nên hầu hết không có nhu cầu xây dựng hệ thống xử lý nguồn chất thải tập trung, từ đó khó áp dụng các công nghệ xử lý thải.

Kèm theo đó, ý thức chấp hành xử lý chất thải bảo vệ môi trường chăn nuôi của một số hộ dân chưa cao, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa ban hành các quy định về quản lý môi trường trong chăn nuôi.

Đối với các trang trại chăn nuôi, hầu hết đều áp dụng các biện pháp xử lý môi trường, trong đó công nghệ khí sinh học được coi là biện pháp chính để xử lý.

Nhiều trang trại xây dựng các hầm biogas phủ bạt HDPE có dung tích lên đến vài ngàn m3 và hệ thống các hồ lắng, hồ lọc, hồ sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi. Công nghệ khí sinh học trong giai đoạn đầu của trang trại chăn nuôi thường phát huy tác dụng xử lý môi trường rất tốt.

Tuy nhiên, theo thời gian, các công trình khí sinh học thường bị quá tải do chất thải thừa ứ và hạn chế đầu tư của chủ trang trại cho vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa. Do bị quá tải nên chất thải chăn nuôi chưa kịp phân hủy đã bị trào ra ngoài môi trường gây ô nhiễm.

BQL các Dự án nông nghiệp đánh giá, mặc dù biện pháp khí sinh học đang được áp dụng phổ biến ở nước ta để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Tuy nhiên, do vận hành hệ thống hầm biogas khá tốn kém và hiệu quả kinh tế thấp nên hầu hết các chủ trang trại chỉ làm hầm biogas mang tính chất đối phó.

Theo Đời sống
back to top