Thực tế, công chúng chỉ biết lờ mờ, rằng Hà Nội đã nhập khẩu chế phẩm Redoxy - 3C để thí điểm vệ sinh nước hồ, hoặc dự án thử nghiệm làm sạch nước hồ với công nghệ Nhật Bản, do doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện.
"Cảm quan" là sạch hơn
Hồ Tây là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, chu vi 16,4km, diện tích mặt nước hơn 528ha chứa khoảng 10 triệu m3 nước. Bên cạnh là địa điểm tâm linh, văn hóa, vui chơi cho người dân trên địa bàn thành phố, hồ Tây còn đóng vai trò là hồ điều hòa thượng lưu điều chỉnh mực nước, lượng mưa cho cả lưu vực rộng 930ha, bao gồm cả diện tích mặt hồ và diện tích thu nước quanh hồ và cả lưu vực sông Tô Lịch.
Trong sự cố năm 2016, theo báo cáo của Hà Nội, có tới gần 300 tấn cá hồ Tây đã chết, bao gồm ở tầng nước mặt và tầng nước lửng có độ sâu khoảng 2m nước. Nguyên nhân chính là do thiếu oxy trong nước. Còn theo báo cáo của quận Tây Hồ, sau sự cố năm 2016, năm 2017 ghi nhận trữ lượng cá, tôm, cua, trai, ốc tại hồ Tây đạt mức thấp nhất từ trước đến nay.
Sau sự cố này, UBND TP Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp để xử lý làm sạch nước hồ Tây, cũng như các hồ khác trên địa bàn. Trong đó, có việc sử dụng chế phẩm Redoxy – 3C do Công ty Arkitic cung cấp độc quyền thí điểm vệ sinh nước hồ.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1 (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội), chế phẩm Redoxy - 3C được sử dụng cho các hồ tại Hà Nội. Nhưng riêng tại hồ Tây chỉ rải 1 lần vào năm 2017 để khử mùi cá chết. Đến tháng 8/2020, việc thử nghiệm chế phẩm này đã dừng lại. Hiện đơn vị đang chờ phương án xử lý nước khác.
Còn về chất lượng nước hồ Tây hiện nay, ông Hùng cho biết, kể từ khi việc duy trì vệ sinh hồ được giao về cho đơn vị, về cảm quan, chất lượng nước trong hồ khá sạch sẽ, không có mùi bốc lên… biểu hiện là người dân xung quanh hồ tụ tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí vào buổi chiều tối khá đông.
Trung bình, mỗi ngày công nhân của Xí nghiệp Thoát nước số 1 phải bơi thuyền ra hồ vớt khoảng 1,5 tấn rác, gồm cành cây, vỏ dừa, hộp nhựa, vật liệu xây dựng… đưa lên xe gom để vận chuyển lên bãi rác Nam Sơn.
Được biết, việc vệ sinh mặt nước hồ Tây giao cho Xí nghiệp Thoát nước số 1 từ 12/3/2020. Đây là một phần việc trong gói thầu Duy trì hệ thống thoát nước của hồ Tây - một gói thầu nằm trong gói thầu lớn có tên Quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội khu vực hữu sông Hồng, có giá trị gần 3.700 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm. Gói thầu lớn do Ban Duy tu các Công trình hạ tầng kỹ thuật Đô thị thuộc Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.
Đơn vị nào quản chất lượng nước hồ?
Về lý thuyết, do đơn vị thuộc Sở Xây dựng quản lý việc vệ sinh hồ, có thể hiểu sở này cũng là cơ quan chịu trách nhiệm về chất lượng nước hồ. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Vì Sở TN&MT hiện đang là đơn vị quản lý các trạm quan trắc tự động và cung cấp công khai thông tin về các chỉ số chất lượng nước các khu vực có mặt nước của Hà Nội, trong đó có hồ Tây.
Thực tế này có thể đưa tới một quy trình quản lý khá oái oăm, là nếu phát hiện nước hồ Tây ô nhiễm, các sở lại phải nhóm họp với nhau và xác định phương án xử lý, giao đơn vị hay liên đơn vị, liên cơ quan xử lý. Đó, rõ ràng là quy trình rối rắm, cồng kềnh và chắc chắn không thể hàm chứa khả năng có hiệu quả.
Nếu quan sát trong những ngày nắng, nước hồ Tây vẫn có màu xanh đục do vi tảo phát triển. Còn nếu hỏi các "cần thủ" xung quanh hồ, rất hiếm có người nào có thể câu được cá to loại 1 - 2 cân trở lên, chứ đừng nói đến loại to cỡ 3 - 4kg từng chết trắng mặt hồ năm 2016.
Theo ông Hoàng Thế Hùng, ông biết có trạm quan trắc chất lượng nước tự động tại 171 Trích Sài, nhưng kết quả quan trắc được gửi về đâu thì ông cũng không biết.
Ban Quản lý hồ Tây, đơn vị trước đây được thành lập để quản lý hồ cũng cho biết kết quả quan trắc không còn gửi về ban, thay vào đó là thành phố trực tiếp quản lý theo Quyết định 41 năm 2016 của UBND TP Hà Nội.
Còn trên cổng thông tin Sở TN&MT Hà Nội, nơi kết quả quan trắc chất lượng hồ Tây được đăng công khai, thì chỉ số VN WQI (Chỉ số chất lượng nước Việt Nam) dao động quanh mức 60, ở mức trung bình trong thang đo (51 - 75), đủ sử dụng cho tưới tiêu.
Kết quả quan trắc nước này cập nhật hằng ngày, nhưng để có kết quả đo tiêu chuẩn thì mẫu nước phải được lấy liên tục trong nhiều ngày (thường trên 5 ngày), nên kết quả quan trắc trên chỉ có giá trị tham khảo và chỉ có thể kết luận khi được thống kê chi tiết. Trong khi đó, dưới bảng chỉ số quan trắc của Sở TN&MT có mục “Xem chi tiết”, nhưng lại không có thông tin.
Trong nỗ lực tìm hiểu thông tin về chất lượng nước hồ Tây, phóng viên đã liên hệ với Sở TN&MT Hà Nội và UBND quận Tây Hồ để hy vọng được cung cấp thông tin. Tuy nhiên, đã vài tuần trôi qua, không cơ quan chức năng nào có phản hồi.
Theo một doanh nghiệp thoát nước, chính xác thì hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào phụ trách quản lý chất lượng nước hồ Tây, nghĩa là đang để hồ Tây tự làm sạch một cách... tự nhiên.
Lưu ý, từ nhiều năm nay, lớp trầm tích tích lũy dày nhiều năm đưới dáy đang tạo điều kiện cho vi sinh vật tiêu thụ oxy phát triển trong nước và tầng đáy, dẫn đến suy giảm oxy trong nước hồ Tây. Có nghĩa, sự cố cá chết năm 2016 do sinh vật trong hồ thiếu oxy vẫn còn có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai tại hồ này.
Nguy cơ ấy càng hiện hữu hơn khi các chỉ số đo chất lượng nước hồ Tây chỉ được cập nhật trên trang điện tử của Sở TN&MT chỉ như là cho có. Nhưng đơn vị nào chịu trách nhiệm khi các chỉ số ấy ở mức báo động, thì lại vẫn không rõ ràng?
Quyết định số 92 năm 2009 của UBND TP Hà Nội về việc Ban hành quy định về quản lý hồ Tây giao UBND quận Hồ Tây chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành khác tham gia quản lý hồ Tây và cảnh quan quanh hồ.
Tuy nhiên, đến ngày 25/12/2019, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 29/2019 hủy bỏ nội dung tại quyết định 92/2009. Sau đó, chưa thấy Hà Nội công khai thông tin giao quản lý chất lượng nước hồ Tây về đơn vị nào.