Ông Hà Duy Lợi với điện mặt trời VSP II
Ông Hà Duy Lợi là cá nhân quan trọng trong việc hình thành Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng đã từng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II (VSP II) là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận II rộng 40,8ha, quy mô 30MW, tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong.
Công ty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II ban đầu do Công ty CP Đầu tư và Công nghệ HC Toàn Cầu, Công ty CP Điện mặt trời Việt Nam và ông Đặng Hồng Sơn góp vốn sáng lập.
Nhóm ông Hà Duy Lợi và ông Lê Trọng Huy cũng chính là các cổ đông sáng lập Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo, chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo. Nhưng chỉ sau 03 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư thì nhóm chủ này đã dần thoái vốn hết tại Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo, để nhường cho nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.
Trở lại dự án Nhà máy Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, diễn biến cũng tương tự như tại Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo. Dù ban đầu là các pháp nhân góp vốn thành lập, nhưng đến tháng 8/2017, thông tin cho thấy cổ đông sáng lập Công ty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II lúc này lại là 03 cá nhân đến từ Hà Nội: Hà Duy Lợi, Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Văn Hùng.
Đặc biệt, đến đầu tháng 3/2019, các cổ đông cá nhân đến từ Hà Nội này đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar (99%) và 2 cá nhân người Trung Quốc là Wang Zhao Feng (0,5%) và Yang Yong Zhi (0,5%). Đến nay chính ông Yang Yoong Zhi đã giữ ghế Chủ tịch HĐQT của Điện mặt trời VSP Bình Thuận II thay cho ông Hà Duy Lợi.
Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar thành lập tháng 11/2018, đầu tiên là công ty con của Công ty TNHH Vina Solar Technology. Sau nhiều lần thay đổi công ty mẹ, doanh nghiệp này hiện là công ty con cấp hai của Công ty TNHH Thương mại HQ, có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Ngoài ra, cá nhân ông Hà Duy Lợi còn tham gia lập, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT nhiều doanh nghiệp với đăng ký kinh doanh liên quan đến năng lượng tái tạo khác như Công ty CP Điện mặt trời Miền Nam, Công ty CP Năng lượng và Tầm nhìn mới, và Công ty CP Eco Ninh Sim.
Ông Lê Trọng Huy với HC Global
Công ty CP Đầu tư và Công nghệ HC Toàn Cầu (HC Global) chính là một trong những pháp nhân quan trọng trong nhóm cổ đông sáng lập các Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo và Công ty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, làm các thủ tục hành chính thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo và Nhà máy Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, sau đó thoái vốn cho nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.
Tìm hiểu cho thấy, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ HC Toàn Cầu thành lập vào tháng 12/2011 được biết đến là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm về hệ thống năng lượng mặt trời, máy phát điện, thiết bị ngân hàng, thiết bị truyền hình, thiết bị viễn thông…
Doanh nghiệp này do các cá nhân: Lê Thiên Thịnh, Nguyễn Vũ Hùng, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trương Thị Quỳnh Trang và ông Lê Trọng Huy sáng lập. Hiện ông Lê Trọng Huy (SN 1981) là Giám đốc.
Ngoài ra, ông Lê Trọng Huy cũng thành lập một loạt các pháp nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như: Công ty CP Điện mặt trời Suối Ngô 2, Công ty CP Điện mặt trời HCG Đắk Nông, Công ty CP Điện mặt trời HCG Long An hay Công ty TNHH Điện mặt trời HCG Tây Ninh (HCG Tây Ninh)...
Trong đó, HCG Tây Ninh cùng với Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư tín thác Hoàng Thái Gia (HTG) là chủ đầu tư các dự án điện mặt trời HCG&HTG tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xã Tiên Thuận & Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh.
Tới năm 2019, Reonyuan Power Singapore đã mua lại toàn bộ cổ phần trong HCG Tây Ninh và HCG, hay nói cách khác, trở thành chủ sở hữu dự án quy mô 100MW và nắm trong tay luôn khu đất 117ha giáp biên giới Campuchia. Reonyuan Power Singapore là công ty con của Ningbo Boway Alloy Material - một tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vật liệu hợp kim.
Như vậy, về bản chất nhóm cổ đông có liên quan đến các ông Hà Duy Lợi và Lê Trọng Huy những năm gần đây đã kết hợp làm các thủ tục và lấy được nhiều dự án liên quan đến năng lượng tái tạo với tổng mức đầu tư lớn tại nhiều tỉnh, thành. Đây là một hệ sinh thái chứ không hoạt động độc lâp. Tuy nhiên, nhiều dự án năng lượng tái tạo đến nay đã dần “về tay” nhóm các ông chủ người Trung Quốc thông qua tiến trình thoái vốn, mua bán cổ phần.