Cây cối xay.
Cối xay mọc hoang ở khắp nơi, từ đồng bằng, trung du đến miền núi, thường gặp ở các bờ rào, vườn tược hay bãi đất hoang. Vì có nhiều công dụng chữa bệnh nên cây còn được trồng ở các vườn thuốc để thu hái làm dược liệu.
Trong đông y, cây cối xay có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt, thường dùng để chữa các chứng đau đầu, phù thũng, bí tiểu, chấn thương… Đặc biệt từ lâu đời, dân gian đã dùng cây cối xay để chữa các chứng bệnh về tai như: tai ù, tai điếc, nghễnh ngãng, viêm tai giữa…
Bài thuốc thường dùng chữa đau tai, ù tai, thính lực giảm: Quả cối xay (hoặc toàn cây) khô 30g, hoặc tươi 60g, nấu canh với thịt lợn nạc để ăn cơm. Đối với tật điếc, dùng rễ Cối xay, Mộc hương, Vọng giang nam, mỗi vị 60g, nấu với đuôi lợn ăn thường xuyên.
Cối xay trị kiết lỵ hay mắt cá màng mộng: Quả Cối xay, hoa Mào gà mỗi vị 30g, sắc uống.
Cối xay chữa phụ nữ sau khi sinh bị phù thũng: Lá cối xay 20-30g, ích mẫu 12-16g, nấu với 300ml nước, sắc còn 150ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn.
Cối xay chữa cảm sốt, nhức đầu do phong nhiệt: Cây cối xay 12-16g, lá tre 8g, bạc hà 6g, kinh giới 8g, kim ngân hoa 12g, nấu với 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn.
Cối xay chữa tiểu tiện bí, tiểu rắt, tiểu buốt: Cây cối xay 30g, bông mã đề 20g, rễ tranh 20g, râu bắp 12g, cỏ màn trầu 8g, rau má 12g, nấu với 650ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn.
Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp: Lá cối xay khô 5g, rễ cây xấu hổ 5g, rau muống biển 3g, rễ cỏ xước 3g, lá lạc tiên 3g, lá lốt 3g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, hãm nước uống thay trà trong ngày. Dùng liên tục 1 tháng.
Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ: Rễ cối xay 200g, sắc đặc, uống 1 chén thuốc (bằng chén trà), còn lại thừa lúc nóng xông hậu môn, khi nước còn ấm thì dùng rửa, ngày xông rửa 5-6 lần.
Mày đay do dị ứng: Toàn cây cối xay 30g, thịt lợn nạc 100g, hầm chín, ăn thịt lợn và uống nước thuốc. Dùng 7 – 10 ngày.
BS Nguyễn Lệ Quyên,
Khoa Đông Y, Bệnh viện Hà Giang