Độc chất từ cây lương thực
Khi sống trong môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi thất thường, một số loại cây lương thực như ngô, đậu, sắn sẽ sản sinh ra chất độc hại khiến con người và động vật tử vong khi ăn phải. Cảnh báo này được GS Jacqueline McGlade - một cựu khoa học gia tại Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc - đưa ra sau khi có các báo cáo về tình trạng nhiều nông dân nghèo ở Ethiopia và động vật của họ chết một cách bí ẩn. Những người này đều gặp tình trạng giống nhau là giảm thị lực, mất khả năng vận động và cuối cùng là tử vong. Các nhà nghiên cứu làm việc trong khu vực nhận ra hạn hán đã làm hỏng mùa màng, buộc người dân phải tiêu thụ thực vật hoang dã mà họ tìm thấy. Thật không may là tình trạng biến đổi khí hậu đã "kích hoạt" một cơ chế phòng thủ bên trong các loại cây này, khiến chúng chứa đầy chất độc.
GS McGlade từng đưa thông tin này vào một báo cáo cho Liên Hợp Quốc vào năm 2016 và tiếp tục bàn về nó trong các báo cáo gần đây. Nó sẽ trở thành một thách thức an toàn thực phẩm, bởi vì chính những thực vật mà chúng ta đang dựa vào để sống cũng đang thích nghi với biến đổi khí hậu. Tình trạng nguy hiểm này đang lan rộng ra nhiều loại cây lương thực khác. Không chỉ kém phát triển, năng suất cây trồng giảm mà cây lương thực còn xuất hiện aflatoxin - độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một nấm mốc, gây ung thư và hydro xyanua, loại chất độc gây tử vong nhanh chóng. Nhiều báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã cho thấy, tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với hệ thống lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, nghiên cứu này nói khá chung chung và mơ hồ, chưa đưa ra loại chất mà cây hấp thụ là chất gì, thực vật hoang dã là loài nào. Bởi về cơ chế thì nếu là chất độc, cây sẽ bị chết chứ không thể hấp thụ để cho ra những sản phẩm có chứa chất độc được. Tuy vậy không thể phủ nhận tác hại của ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đến cây trồng.
Không khí ô nhiễm, cây cũng ô nhiễm
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, cây trồng ở bất cứ đâu, thủy canh hay địa canh cũng đều bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí. Nếu trồng trọt cạnh các nhà máy công nghiệp xả thải ra môi trường khí độc, các lò gạch thủ công… thì chắc chắn cây trồng cũng nhiễm độc tố. Do đó để sản xuất sạch, người ta buộc phải quy hoạch các vùng trồng, trong đó đất trồng, nước và không khí phải sạch, an toàn. Bởi cây trồng không chỉ lấy dinh dưỡng trong đất, nước mà còn hô hấp với không khí. Và không khí ô nhiễm thì đất, nước cũng sẽ ô nhiễm theo. Đó là lý do để người ta đặt ra vấn đề lo lắng về an toàn thực phẩm khi môi trường toàn cầu ô nhiễm.
“Nói thế không có nghĩa cây cối trồng ở nhà ven đường, nơi có nhiều xe cộ đi lại, hay cây trồng ở các thành phố lớn có không khí ô nhiễm… là sẽ độc hại hết. Bởi không phải chất nào cây cũng hấp thụ, và ô nhiễm phải ở mức liên tục mới đáng ngại. Tuy vậy, một cách an toàn nhất thì vẫn là những vùng trồng có không khí sạch”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết.
Phong Lâm