Cảnh báo chiêu trò lừa đảo "gắn thẻ người dùng mạng xã hội"

Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, hình thức lừa đảo gắn thẻ (tag) tài khoản cá nhân vào các bài đăng với nội dung giật gân, kích thích trí tò mò của người dùng mạng xã hội để lấy cắp thông tin tài khoản.

Thời gian gần đây, không ít người dùng sử dụng thiết bị thông minh, lướt mạng xã hội rồi bỗng nhiên thấy tên tài khoản mạng xã hội của mình được gắn thẻ vào một bài đăng có nội dung nhạy cảm hoặc gây tò mò đi kèm với một đường link. Nhiều người sẽ có thói quen nhấn ngay vào đường link này vì mong muốn đọc được nội dung của bài đăng đó.

Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, hình thức lừa đảo này đánh vào tâm lý tò mò của người dùng mạng xã hội để lấy cắp thông tin tài khoản. Những tin tức gây tò mò, nội dung nhạy cảm liên quan đến đời tư hay đau buồn về người thân, người quen bị tai nạn là những đòn đánh tâm lý dễ tác động tới người dùng.

Cảnh báo chiêu trò "gắn thẻ người dùng mạng xã hội" để lừa đảo. Ảnh minh họa

Cảnh báo chiêu trò "gắn thẻ người dùng mạng xã hội" để lừa đảo. Ảnh minh họa

Theo nhận định của cơ quan công an, hành vi gắn thẻ (tag) tài khoản cá nhân thực chất là biến tướng của chiêu trò phát tán những tin nhắn như thông báo đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, thông báo tài khoản ngân hàng đang bị đăng nhập bởi một thiết bị khác hay thông báo trúng thưởng các đồ dùng có giá trị… Mục đích là để dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin nhấp vào những đường link có chứa mã độc. Đây là chiêu trò không mới nhưng chiêu thức lừa đảo thì lại mới.

Nếu không cảnh giác và sập bẫy chiêu lừa này, người dùng có thể phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Tài khoản bị chiếm đoạt có thể liên kết với các website, fanpage về thương mại, bị sử dụng để kinh doanh hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Các đối tượng lừa đảo cũng có thể dựng lên những câu chuyện để bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm, hoặc sử dụng thông tin cá nhân để tống tiền, chiếm đoạt tài sản.

Người dùng nên hạn chế bấm vào các đường link không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các link yêu cầu đăng nhập bằng mật khẩu.

Người dùng mạng xã hội cần thực hiện các biện pháp xác thực mạnh, ngoài mật khẩu cần xác thực bằng cả số điện thoại và địa chỉ Email.

Khi cài đặt các ứng dụng trên điện thoại, người dùng nên chỉ tải từ các nguồn chính thống để tránh bị trục lợi và lộ lọt dữ liệu cá nhân. Trước khi cài đặt, kiểm tra ứng dụng có nhà cung cấp uy tín, số lượt tải và đánh giá tốt.

Nếu không may nhập thông tin tài khoản vào trang web lừa đảo, cần đổi mật khẩu ngay lập tức để tránh bị chiếm đoạt tài khoản.

Tùy vào mức độ và hậu quả của hành vi, đối tượng thực hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự, với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Mạng xã hội chính là xã hội thứ hai của con người, có cả những điều tốt xấu đan xen. Khi thấy bất cứ dấu hiệu lạ nào trên trang mạng xã hội cá nhân, đừng vội vàng thực hiện theo các yêu cầu. Hãy tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè và cả lực lượng công an khu vực để tránh những nguy cơ xấu độc.

Theo Đời sống
back to top