Nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề hơn
Đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua càng khiến người dân Kenya và Uganda đối mặt cảnh thiếu ăn và thiếu dinh dưỡng thiết yếu một cách trầm trọng. Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học Nông nghiệp Quốc tế (CABI) vừa công bố trên Tạp chí World Development mới đây đã chỉ ra những ảnh hưởng nặng nề, khốc liệt của đại dịch Covid-19 lên người dân hai nước Kenya và Uganda.
Khảo sát được thực hiện thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Telegram, Twitter, WhatsApp. Với một mẫu ngẫu nhiên gồm 442 người, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mất an ninh lương thực (ANLT) đã tăng 38% tại Kenya và 44% tại Uganda.
TS Monica Kansiime, người dẫn đầu nghiên cứu này cho biết, tác động rõ rệt nhất từ nghiên cứu cho thấy, bữa ăn hàng ngày của nông dân đã phải thay đổi rất nhiều để đối phó với sự bùng phát của Covid-19. Chế độ ăn đã không còn đa dạng, nông dân thậm chí phải cắt giảm khẩu phần và bỏ bữa. Hơn 50% số người dân Kenya trong khảo sát đã không còn được tiêu thụ hầu hết các nhóm thực phẩm “xa xỉ” như hoa quả, hải sản, thịt và gia cầm. Chỉ còn lại rau củ là nguồn cung cấp dinh dưỡng thường trực. Điều này làm dấy lên các lo ngại về việc thiếu các dưỡng chất vi lượng quan trọng cho sức khỏe.
Tình trạng cũng diễn ra tương tự với nhóm nông dân được khảo sát ở Uganda. Các mối lo trong thời điểm Covid-19 tăng lên đáng kể so với bình thường khi 30% số người sợ bị giảm lượng thực phẩm tiêu thụ; 35% sợ không được ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh; 45% sợ chế độ ăn uống trở nên nghèo nàn và 50% lo lắng về việc không có đủ thực phẩm để ăn.
Biểu đồ: Tỷ lệ người tham gia khảo sát tiêu thụ các nhóm thực phẩm trước và trong giai đoạn Covid-19 (CABI) (từ trái sang: hoa quả, rau củ, cá & hải sản, thịt, gia cầm). |
CNSH giúp phục hồi sản xuất
Trước những khó khăn mà người dân tại Kenya và Uganda phải đối mặt, Chính phủ các nước này đã thực hiện một loại thay đổi chính sách về tài chính cũng như kinh tế để giảm thiểu các tác động. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, chính phủ các nước cần xây dựng chính sách phù hợp để phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm, giúp giảm thiểu tình trạng thiếu lương thực trầm trọng như hiện nay.
Tại Kenya, báo cáo về công nghệ sinh học (CNSH) cho thấy, việc ứng dụng các quy trình canh tác và các giống cây trồng biến đổi gene (BĐG) giúp chống lại các loại sâu hại. Từ đó, giúp gia tăng sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân cũng như GDP cả nước. Với việc hình thành chính sách quản lý cây trồng CNSH, Kenya là một trong những quốc gia Đông Phi đầu tiên triển khai canh tác cây bông BĐG. Đây được xem là một trong những công cụ giúp giảm đói nghèo tại quốc gia này.
Cây sắn cũng được dùng làm thực phẩm rất phổ biến tại Kenya. Hiện giống sắn Bt đang được thử nghiệm để xác định khả năng kháng bệnh sọc nâu và bệnh khảm lá. Nếu việc sản xuất sắn Bt tiếp tục cho thấy các kết quả khả quan, căng thẳng về ANLT có thể sẽ trở thành ký ức đối với người dân Kenya.
Còn tại Uganda, ngô được xem như nông sản chính nhưng việc trồng ngô đang gặp nhiều khó khăn do sâu keo mùa thu gây hại. Tại các buổi tập huấn cho nông dân về quản lý và kiểm soát sâu keo mùa thu được tổ chức bởi Trung tâm Thông tin Khoa học Sinh học Uganda (UBIC) hồi tháng 9 vừa qua, nông dân nước này bày tỏ mong muốn được cung cấp giống ngô Bt có thể kháng lại sâu keo mùa thu.