Cán bộ câu kết doanh nghiệp… tham nhũng: Góc khuất không chỉ Vạn Thịnh Phát, SCB?!

Vụ Vạn Thịnh Phát - SCB không chỉ cho thấy kỷ lục về số tiền bị chiếm đoạt hơn 304 nghìn tỷ, khoản nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD, mà còn phơi bày sự câu kết giữa cán bộ với DN để cùng trục lợi, gây bức xúc dư luận.

Khoa học và Đời sống đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội; Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính; Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về vấn đề này.

Cán bộ tiếp tay, bảo kê, doanh nghiệp lộng hành cùng trục lợi

Phi vụ hối lộ 5,2 triệu USD bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, Giám sát của Ngân hàng Nhà nước, để bao che sai phạm cho Ngân hàng , được cho là lớn nhất từ trước tới nay?

Ông Lê Như Tiến: Theo dõi thông tin từ kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB cho thấy nhiều con số gây sốc. Các đối tượng làm khống cả nghìn hồ sơ để vay tín dụng trên một triệu tỷ đồng của ngân hàng SCB. Số tiền chiếm đoạt lên đến 304 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra, nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD để bưng bít sai phạm. Đây cũng là số tiền nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.

Tôi cho rằng, những hành vi nhận hối lộ để bao che, bưng bít sai phạm như trên cần phải bị nghiêm trị, bởi đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Lê Như Tiến.

Ông Lê Như Tiến.

Theo tìm hiểu, tất cả “đại án” đều bắt nguồn từ cán bộ câu kết doanh nghiệp để cùng tham nhũng, chứ không chỉ ồn ào lúc này là Vạn Thịnh Phát, SCB? Có cán bộ tiếp tay, bảo kê, chủ doanh nghiệp mới lộng hành?

Ông Lê Như Tiến: Không chỉ vụ Vạn Thịnh Phát - SCB, lâu nay, các đại án đều có thông tin về sự cấu kết giữa cán bộ, người có chức quyền với doanh nghiệp để tham nhũng trục lợi. Không có cán bộ tiếp tay, bảo kê, doanh nghiệp không thể lộng hành như vậy.

Như vụ Vạn Thịnh Phát - SCB, nếu cán bộ thanh tra làm đúng chức trách nhiệm vụ, phát hiện và báo cáo nghiêm túc, các cơ quan chức năng đã có thông tin, chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Chính sự bao che, bưng bít này đã góp phần gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay.

Đại biểu Trịnh Xuân An: Trong tất cả vụ việc đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa là khâu quan trọng hơn cả. Nếu làm tốt khâu phòng ngừa, kiểm soát, xử lý được từ sớm, từ xa, hậu quả không ghê gớm như thế.

Vì sao một cá nhân, một công ty lại có thể chiếm đoạt tới 1 triệu tỷ đồng trong thời gian dài như vậy? Khâu phòng ngừa đến đâu, trách nhiệm cơ quan quản lý thế nào cần được đặt ra.

Đối với tổ chức tín dụng, đã có một hệ thống quy định pháp luật rất đầy đủ, đồng bộ, với những biện pháp kiểm soát rủi ro rất chặt chẽ. SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, theo các quy định của Nhà nước, tại sao lại xảy ra sự việc như vậy?

Chúng ta có công cụ nhưng lại làm chưa hết và dẫn đến vi phạm pháp luật và bị mua chuộc. Đồng thời, cần đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng và phải có cơ chế để kiểm soát lẫn nhau. Muốn vậy, cần phải có cơ chế đánh giá độc lập, kiểm tra chéo, chứ nếu để đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”, hậu quả sẽ rất lớn. Theo tôi, phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát ngân hàng độc lập để phòng ngừa được từ xa.

Đại biểu Trịnh Xuân An.

Đại biểu Trịnh Xuân An.

Chống tham nhũng là phòng chống cán bộ biến chất

Trở lại vấn đề nhức nhối hiện nay: Chống tham nhũng vẫn là phòng, chống cán bộ tự diễn biến, tự chuyển hóa?

Ông Lê Như Tiến: Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là một số cán bộ có chức vụ lợi dụng quyền lực để quyết định những vấn đề có lợi cho bản thân, cho “nhóm lợi ích”. Nguyên nhân lớn nhất là sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất.

Do đó, chống tham nhũng chính là chống việc đưa cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy định vào bộ máy nhà nước. Chống tham nhũng phải chống từ công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Vụ SCB là tảng băng chìm trong hệ thống ngân hàng. Tới lúc cơ quan chức trách nên vào cuộc, thanh, kiểm tra thực trạng “doanh nghiệp, đại gia đứng sau ngân hàng”? Có hay không lợi ích rút tiền gửi của dân bỏ túi đại gia?

Chuyên gia Ngô Trí Long: Vụ việc Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB là điển hình của tình trạng tập đoàn sân sau sở hữu ngân hàng thời gian qua đã và đang bị xử lý. Có tình trạng các tập đoàn sở hữu ngân hàng bởi sẽ rẻ hơn đi vay ngân hàng rất nhiều. Vấn đề chính phải xem hoạt động đó hiệu quả hay không.

Thực tế trước đây, có hiện tượng tập đoàn sân sau phát hành trái phiếu thông qua ngân hàng, lại chuyển về đó. Tuy nhiên, thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều biện pháp, thanh, kiểm tra cụ thể. Nếu anh làm lãnh đạo ở hai lĩnh vực, giờ chỉ làm một lĩnh vực thôi. Để phát hiện thực trạng “doanh nghiệp, đại gia đứng sau ngân hàng” và xử lý thì cần thanh, kiểm tra.

Chế tài nào giám sát, kiểm tra hoạt động sở hữu chéo, thao túng trong lĩnh vực ngân hàng?

Đại biểu Trịnh Xuân An: Vụ Vạn Thịnh Phát – Ngân hàng SCB cho thấy, phương thức, thủ đoạn của bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát cũng đơn giản nhưng lại kéo dài. Đó là thành lập doanh nghiệp, mượn đứng tên mua cổ phiếu, thành lập các hệ sinh thái, tạo nên “lực lượng ma” để làm méo mó hoạt động tín dụng. Đây là biến tướng của các cặp sở hữu chéo. Các cặp sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng rất dễ dàng nhận ra, nhưng giải pháp gì để chặt "vòi bạch tuộc" này, hiện chúng ta đang bị lúng túng.

Do đó, tôi cho rằng, việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng chỉ là biện pháp rất kỹ thuật và hình thức. Sở hữu chéo và vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, phải có biện pháp đặc biệt trong kiểm tra, giám sát và phải công khai minh bạch nhất có thể.

Bên cạnh đó cần có biện pháp mạnh, làm lành mạnh hóa các hoạt động tín dụng. Theo tôi, cần áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn thế giới. Đơn vị nào không đáp ứng được yêu cầu phải loại ra ngoài. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thanh lọc lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp, bảo đảm quyền lợi tối đa nhất cho người gửi tiền. Liệu nền kinh tế của nước ta có cần tới 50 ngân hàng lớn nhỏ?

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!

Vụ Vạn Thịnh - SCB: Mở rộng điều tra, khởi tố 2 vụ án, 72 bị can

Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương thông tin về cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cho biết, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can. Trong đó, 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Con số về tội phạm tham nhũng, kinh tế

Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 tại Quốc hội ngày 21/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, cơ quan chức năng đã thụ lý, điều tra 1.103 vụ án với 2.951 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 732 vụ án với 2.106 bị can. Các cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án với 1.205 bị can. TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ với 1.800 bị cáo, trong đó xét xử 562 vụ với 1.207 bị cáo về các tội tham nhũng.

Sở hữu chéo thao túng lợi ích nhóm trong ngân hàng vẫn đáng lo ngại

Tháng 6/2023, chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, dẫn báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại.

Theo ông Đồng, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, làm gia tăng một số rủi ro chính, trong đó có rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

Chẳng hạn, Baovietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc bà Trương Mỹ Lan - Ngân hàng SCB, nhóm cổ đông tại ACB.

Theo Đời sống
Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Cá nhân có các hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ chịu các mức xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ.
back to top