Hình minh họa.
Vừa rồi lại diễn ra cảnh đám người chen nhau vào ăn miễn phí tại một nhà hàng mới khai trương ở Hà Nội. Một hình ảnh không đẹp, rõ ràng rồi. Sau đó rất nhiều người ta lên tiếng phỉ báng, thi nhau liệt kê ra những thói xấu của người Việt. Thật xấu hổ quá!
Điều này lâu nay cũng như đã thành thông lệ. Mọi người xúm vào kể xấu, làm như thể mình không phải là người Việt Nam, như thể mình không liên can.
Còn tôi thì thấy, thói xấu đó có dường như xuất phát từ một căn bệnh truyền kiếp: đó là sợ nghèo, sợ đói. Vì có người rõ ràng chẳng nghèo đến mức không mua nổi một bữa ăn, vẫn dùng Iphone, vẫn ăn mặc sang trọng… nhưng vẫn thích ăn miễn phí, hay có người chen vào lấy đồ khuyến mại rồi về để đấy chẳng dùng đến…
Như thế đâu phải vì họ thiếu mà là họ sợ thiếu, sợ rằng hôm nay mình vẫn đủ nhưng biết đâu ngày mai lại chẳng có gì mà ăn. Nỗi sợ của những người mà bản thân họ hoặc tổ tiên của họ đã từng phải chịu đói khổ.
Giống như nhân vật trong truyện ngắn Tình yêu cuộc sống, sau một thời gian dài bị đói, khi được cứu, anh ta mắc một chứng bệnh lạ: thích cất giấu bánh mỳ dưới đệm nằm.
Đọc những trang viết của Nam Cao, Ngô Tất Tố… thấy thân phận người Việt mình sao mà đáng thương hại đến thế, sao lại khổ sở cực nhục đến thế.
Không ai là không rớt nước mắt khi đọc truyện ngắn Một bữa no của Nam Cao, cái cảnh bà cụ đi ăn chực sao mà não lòng não ruột. Để rồi tự hỏi, người ta có thể đói đến mức thê thảm thế sao? Cái đói khiến cho con người ta trở nên thảm hại đến thế sao? Có ai nỡ giận một người khốn khổ khốn nạn như thế?
Vậy thì cũng xin đừng quá nặng lời với những người đã chen chúc, tranh giành nhau suất ăn miễn phí kia. Rõ là xấu rồi, nhưng nó không đơn giản là cái biểu hiện xấu xa bề ngoài đó. Mà nó cho thấy rằng chúng ta vẫn còn nghèo, vẫn còn nỗi lo ngày mai không biết có cái gì để ăn chưa.
Mà điều đáng xấu hổ là ta đã làm gì hay đã không làm gì để đất nước này, những người dân này vẫn còn nghèo, vẫn còn lo sợ, ám ảnh bởi cái nghèo.
Minh Anh