Cần 750 tỷ để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề tại Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Cùng với tốc độ phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống, môi trường làng nghề đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong đó nước thải là một trong những nguyên nhân chính.

Ô nhiễm ở mức báo động
Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề. 

Xã Tân Triều (Thường Tín) có 2 làng Triều Khúc và Yên Xá. Trong đó, làng Triều Khúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Đến nay, xã có đến gần 200 cơ sở sản xuất thuộc 8 ngành nghề khác nhau, như thu mua phế liệu, sơ chế lông vũ, tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu, sản xuất nước uống đóng chai, rút chỉ đồng. Trong đó, đông nhất vẫn là nghề xay xát và tái chế nhựa.

Cùng với sự phát triển của nghề thu gom rác, tình trạng rác thải sản xuất được tập kết khắp mọi nơi tại làng nghề tái chế chất thải, từ nhà xưởng đến đường giao thông… gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Mặc dù, các cơ sở tái chế lớn đều được đưa ra ngoài khu dân cư nhưng những bãi tập kết thu mua phế liệu vẫn tràn lan bên đường.

Đáng nói, trong quá trình hoạt động, nước thải phát sinh không qua xử lý, chảy thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Nước ở kênh mương, ao hồ luôn đen kịt, xen lẫn mùi hóa chất, mùi nước thải chưa qua xử lý rất nồng nặc, khó chịu, nhất là vào những hôm trời nắng.

Là một xã có nghề may phát triển, mỗi ngày, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) phát sinh khoảng 4-5 tấn rác thải công nghiệp thông thường (chủ yếu là vải vụn). Theo quy định, hộ sản xuất phải ký hợp đồng thu gom rác thải công nghiệp riêng, không để lẫn vào rác thải sinh hoạt nhưng nhiều hộ tự xử lý bằng cách đốt, tạo lượng khói độc và tro bụi, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Hầu hết, các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở, doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chiếm tỷ lệ rất thấp; nước thải chưa được thu gom xử lý hoặc chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm khu vực xung quanh. 

Huy động nguồn vốn tư nhân

Theo một khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong 65 làng nghề được lấy mẫu và phân tích môi trường, có 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Cụ thể về môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm và 8 làng nghề không ô nhiễm. Trong khi đó, môi trường không khí tại 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm. Theo đánh giá môi trường đất, 28/65 làng nghề có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.

Các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.

Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, thành phố cần 1.350 tỷ đồng. Cụ thể giai đoạn đến năm 2020 cần 750 tỷ đồng để triển khai xây dựng hệ thống tại 50 làng nghề trọng điểm thuộc các huyện Hoài Đức, Vân Canh, Chương Mỹ... Giai đoạn 2021-2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Hiện, Sở Tài Chính Hà Nội đang cố gắng bố trí nguồn vốn để xử lý ô nhiễm làng nghề. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Hà Nội cũng đang kêu gọi đầu tư các dự án xử lý môi trường làng nghề gồm 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến là 569 tỷ đồng.

Đồng thời kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9.000 tỷ đồng.

Sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hướng dẫn các quận huyện có làng nghề rà soát, thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề còn lại tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá phân loại. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
back to top