Cải cách “là chính sách hỗ trợ tốt nhất”

Chính phủ đang chuẩn bị gói hồi phục kinh tế lên tới gần 35 tỷ USD. Nhưng phản hồi từ không ít chuyên gia, doanh nghiệp lại cho thấy, doanh nghiệp cần cải cách chính sách, thậm chí là cần hơn cả hỗ trợ bằng tiền.

“Có khi, không cần các gói hỗ trợ, Nhà nước chỉ cần bỏ bớt thông tư, nghị định, hoàn thiện pháp luật là doanh nghiệp mừng. Đó cũng là chính sách hỗ trợ tốt nhất mà doanh nghiệp mong muốn”, theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Chinh nói.

cai-cach-chinh-sach.jpg
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái (TP HCM).Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tốt nhưng chưa tới

Môi trường kinh doanh là tổng hợp tất cả những yếu tố có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động của doanh nghiệp. Ví như luật pháp, thủ tục hành chính, cạnh tranh của thị trường, những rủi ro do thiên tai... tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, hiệu suất công việc và sự phát triển của đơn vị kinh doanh.

Việt Nam hiện đang tăng tốc độ hội nhập với kinh tế thế giới. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đã được tăng cường, đủ khả năng xuất hiện, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Sự kiện VinFast ra mắt hai mẫu ô tô điện trên đất Mỹ là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận xét này.

Theo các chuyên gia, để tạo ra được những kết quả tốt đẹp này là do môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể.

“Chính sách của nước ta hiện nay càng ngày càng thuận tiện, tạo ra nhiều ưu đãi, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế. Càng ngày cơ chế càng rõ ràng, hướng dẫn luật cụ thể hơn, đồng thời loại bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà, cắt giảm nhiều khâu và quy trình rắc rối...”, chuyên gia pháp lý Bùi Sỹ Anh, Công ty TNHH Luật Hàm Rồng nói.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Anh, Nhà nước đã đưa ra những Nghị quyết nhằm thúc đẩy đầu tư kinh doanh, liên quan tới cắt bỏ những thủ tục hành chính, giảm nhiễu nhương trong bộ máy công quyền.

Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý này cũng nhận xét, chính sách thì đang dần tốt lên, nhưng thực thi pháp luật thì lại chưa tới. Thủ tục hành chính từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp.

Theo các chủ đầu tư bất động sản, để được cấp phép một dự án, phải mất từ 1 - 3 năm. “Chi phí ngoại giao” chiếm tới từ 3 – 5% chi phí tổng dự án. Đây gần như là một điều kiện “bắt buộc phải có” trong phát triển dự án của doanh nghiệp.

cai-cach-chinh-sach-2.jpg

Thông thoáng quan trọng hơn

Cũng theo các chuyên gia, pháp luật Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhưng chưa thống nhất, tinh gọn được như nhiều nước trên thế giới. Ví dụ điển hình là chính sách một cửa.

Cũng là một cửa, nhưng chính sách một cửa của Việt Nam chỉ có vai trò tiếp nhận hồ sơ và trả hồ sơ. Còn việc thẩm định, phê duyệt, đánh giá… hồ sơ thuộc về những cơ quan chuyên môn. Doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

“Nhưng để thay đổi triệt để, toàn bộ điều này không hề dễ. Vì nó không phải chỉ là thay đổi luật mà còn là thay đổi cả chính sách vĩ mô, cả một thể chế, một hệ thống chính trị. Đây có thể coi là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam”, ông Nguyễn Sỹ Anh nói.

Theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những thách thức đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Nhất là trong tình hình Việt Nam và thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nền kinh tế vừa phải cố vượt qua dịch bệnh, phục hồi dần, thay vì tụt hậu lại so với thế giới.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Bùi Chinh cho rằng, có lẽ, doanh nghiệp không cần các gói hỗ trợ. Mà Nhà nước chỉ cần bỏ bớt thông tư, nghị định, hoàn thiện pháp luật là doanh nghiệp mừng. Đó cũng là chính sách hỗ trợ tốt nhất mà doanh nghiệp mong muốn. Hiện tại, doanh nghiệp cần tạo đà để bật dậy sau một thời gian dài bị tê liệt.

“Chứ không phải việc nhiều cơ quan công quyền đang lợi dụng chính sự rườm rà của thông tư, nghị định để hành doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian chờ đợi ở cửa các đơn vị giải quyết giấy tờ, hồ sơ”, TS Bùi Chính nhấn mạnh.

“Đang có sự mâu thuẫn, bất đồng giữa chính sách một đằng, nhưng thực hiện một nẻo. Giữa quy định pháp luật một kiểu, nhưng trên thực tế áp dụng quy định của pháp luật lại một kiểu khác. Vẽ nhiều giấy tờ rườm rà, ngoại lệ không có trong luật. Đó có phải là câu chuyện nhũng nhiễu, hạch sách hay không?”.

Chuyên gia pháp lý Bùi Sỹ Anh (Công ty TNHH Luật Hàm Rồng)

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top