Rau củ cần thời gian cách li ít nhất 7 ngày sau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Lo ngại trước vấn đề rau ăn lá nhiễm thuốc trừ sâu, nhiều gia đình chuyển sang lựa chọn rau ăn củ với suy nghĩ rằng các loại củ nằm dưới đất sẽ hạn chế nguy cơ nhiễm thuốc. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, rau ăn củ cũng không hoàn toàn tránh khỏi nguy cơ này.
Thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu hại cho rau quả có thể được phân ra 2 loại, là nhóm thuốc tiếp xúc và nhóm thuốc nội hấp. Nhóm thuốc tiếp xúc được sử dụng để phun trực tiếp vào chỗ có sâu bệnh tấn công, còn nhóm thuốc nội hấp là nhóm thuốc để phun ở lá nhưng có tác dụng bảo vệ củ. Tuy nhiên khi phun thuốc bảo vệ củ vào lá cây thì những con sâu nếu ăn lá đã được phun thuốc cũng sẽ bị tiêu diệt.
Bất cứ loại thuốc trừ sâu phun để bảo vệ cho bộ phận nào thì sẽ có tác dụng trên bộ phận đó, ví dụ như thuốc bảo vệ lá sẽ phòng sâu bệnh trên lá, thuốc bảo vệ củ sẽ ngấm vào củ và có tác dụng phòng sâu bệnh cho củ. Do vậy nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu ở củ hay ở lá là như nhau, chứ không phải như một số người cho rằng rau ăn lá thì dễ bị nhiễm thuốc hơn rau củ và như vậy thì ăn rau củ sẽ an toàn hơn. Có thể lá rau có mặt tiếp xúc thuốc nhiều hơn nên nguy cơ nhiễm thuốc sẽ cao hơn, nhưng củ thì không phải là không nhiễm thuốc.
Trên thực tế, bất kỳ nhóm thuốc trừ sâu bệnh trên rau quả nào khi đem ra sử dụng cũng phải được phép đăng ký sử dụng hoặc hạn chế sử dụng và đã có hướng dẫn cụ thể. Để cấp phép cho những loại thuốc này, cơ quan hữu trách đã phải tính đến ngưỡng an toàn. Và tất cả các loại thuốc sử dụng cho sâu bệnh trên lá được qui định phải có thời gian cách li ít nhất là 7 ngày trước khi đến tay người tiêu dùng. Nếu thực hiện đúng các qui định này thì rau lá hay rau củ để an toàn để sử dụng.
An Lê