Bạn nên chú ý cách đeo kính áp tròng để tránh cho mắt khỏi viêm nhiễm.
Không phải ai cũng đeo được kính áp tròng
BS.Phạm Hải Yến, BV Mắt TƯ cho biết, kính áp tròng không phải kính thời trang như nhiều người nghĩ, thực chất là kính thuốc vì mục tiêu sử dụng là để chữa bệnh, điều chỉnh tật khúc xạ của mắt.
Kính áp tròng có độ cong phù hợp ôm sát vào giác mạc để không bị tuột ra vì vậy nó không có gọng đỡ. Khi bám vào giác mạc, giữa bề mặt giác mạc và kính có một lớp nước mắt mỏng, giúp kính di chuyển ở mức cần thiết để lớp nước mắt được thay mới liên tục, giảm cơ hội bám đọng các chất cặn và vi khuẩn.
Lớp nước mắt này cũng hạn chế tối đa vi chấn thương và trầy xước giác mạc. Kính áp tròng thường được làm bằng chất liệu tổng hợp đặc biệt có tính ngậm nước (kính áp tròng mềm), cho phép ôxy thẩm thấu qua (kính áp tròng cứng) nhằm đảm bảo chức năng sinh lý bình thường của mắt. Vì là kính thuốc nên khi đeo, bệnh nhân cần được thăm khám và tư vấn của bác sĩ.
Bệnh nhân không có viêm nhiễm, không khô mắt mới được đeo. Hiện nay có tình trạng nhiều bạn trẻ tự ý mua kính trên mạng mà không được khám, tư vấn đúng, đầy đủ về cách sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính nên có thể dẫn đến một số vấn đề như lựa chọn thông số kính không phù hợp, thậm chí có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, đe dọa thị lực như viêm, loét giác mạc.
Về lợi ích của kính áp tròng, theo BS. Phạm Hải Yến, kính áp tròng (kính sát tròng, kính tiếp xúc) là kính thuốc, được đặt trực tiếp lên bề mặt giác mạc để chỉnh tật khúc xạ hoặc điều trị một số bệnh lý của giác mạc. Kính áp tròng có thể điều chỉnh các tật cận, viễn, loạn, kể cả lão thị.
Kính áp tròng giúp bệnh nhân có hình ảnh trung thực, mang tính thẩm mỹ cao, thuận tiện trong các hoạt động thể thao hoặc nghệ thuật. Khi đeo kính áp tròng, người đeo có thể thay đổi được màu mắt, làm cho tròng mắt to hơn hoặc che được sẹo đục giác mạc. Kính áp tròng cũng dùng để điều trị bảo vệ giác mạc trong trường hợp trợt giác mạc, bệnh giác mạc bọng, khắc phục lão hóa mắt cho bệnh nhân không có mống mắt…
Cách đeo kính áp tròng để mắt không viêm nhiễm
Do quan niệm kính áp tròng là kính thời trang, ai cũng có thể sử dụng được nên nhiều bạn trẻ mua về và sử dụng không đúng, gây viêm nhiễm cho mắt. Theo các bác sĩ, trước khi đeo kính áp tròng phải cắt ngắn móng tay, rửa tay sạch bằng xà phòng. Không nên bôi xà phòng có mùi thơm hoặc tinh dầu lên tay.
Kính áp tròng có thể dính vào tay ẩm, bởi vậy lau khô tay bằng một miếng khăn không để lại sợi bông. Khi đưa kính vào mắt, dùng ngón tay trỏ nhấc kính ra khỏi hộp và đặt vào lòng bàn tay. Rửa kính bằng dung dịch chuyên dụng được kê bởi bác sỹ.
Cách đeo kính áp tròng như sau: Đặt kính lên đầu ngón tay trỏ. Kéo mi dưới xuống bằng ngón giữa của cùng một bàn tay và giữ mi trên bằng bàn tay kia. Đặt kính trực tiếp lên lòng đen của mắt. Nhẹ nhàng thả tay đang giữ mi mắt ra và chớp mắt.
Khi tháo kính ra cũng cần rửa sạch tay bằng xà phòng. Kéo mi mắt dưới xuống. Nhìn lên trên hoặc nhìn sang bên và nhẹ nhàng di chuyển kính đến phần lòng trắng của mắt. Dùng ngón cái và ngón trỏ, nhẹ nhàng cầm kính và nhấc kính ra.
Với loại kính áp tròng thẩm khí, mở to mắt và kéo nhẹ vùng da ở hốc mắt, hướng về phía tai. Cúi xuống, đưa lòng bàn tay ra hứng và chớp nhẹ mắt. Kính sẽ tự động rơi vào lòng bàn tay. Với các trường hợp sử dụng dụng cụ đeo, tháo kính thì cần đảm bảo dụng cụ luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ, được vệ sinh định kỳ bằng dung dịch rửa chuyên dụng.
Khi mua kính áp tròng cần hết sức cẩn thận. Người bệnh nên nhìn kỹ hạn sử dụng trên bao bì, không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn hoặc bao bì đóng gói, vỏ hộp bị rách, không còn nguyên vẹn. Khi chuyển đổi từ kính gọng sang kính áp tròng, các thông số sẽ bị thay đổi. Tốt nhất bệnh nhân nên đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên về mắt, kính áp tròng để được tư vấn, thăm khám và lựa chọn thông số kính phù hợp nhất.
Khánh Thủy