Theo phân tích của các chuyên gia, nắng nóng ảnh hưởng đến sức khoẻ người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính, vì vậy cần chú ý đề phòng.
Hấp nhiệt, phát sinh vi khuẩn
Thông thường sau những ngày nắng gắt, thời tiết sẽ chuyển mát dần, thậm chí cuối ngày có thể có mưa giông khiến nhiệt độ dịu xuống. Tuy nhiên, thời tiết lúc này không phải đã dễ chịu như nhiều người vẫn nghĩ và việc ra đường vào thời điểm này sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho sức khoẻ, nhất là khi đi bộ, cơ thể tiếp xúc gần nhất với mặt đất.
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 Sơn Tây, Hà Nội cho hay, vào cuối những ngày nắng gắt, khi tắt nắng dù nhiệt độ có giảm đi nhưng hơi nóng vẫn hầm hập, đặc biệt là ở các đường nhựa, đường bê tông, hơi nóng bốc lên rất khó chịu. Nếu gặp mưa xuống sẽ càng tệ hơn, vì mưa làm giảm nhiệt độ và độ ẩm cũng thay đổi khiến cơ thể không thích nghi kịp dẫn đến ốm.
Theo các phân tích khoa học thì ở trong đất có rất nhiều loài vi sinh vật khác nhau với số lượng hàng triệu con cùng sống và phát triển. Trời nắng nóng khiến đất bị khô, nhiều loài sẽ chết đi hoặc chuyển sang dạng nghỉ, tạm dừng hoạt động, một số loài lại tồn tại ở dạng bào tử.
Khi mưa xuống các loài vi sinh vật này sẽ tiếp tục sống lại, lúc này sẽ xảy ra quá trình phân hủy sinh học hay vẫn gọi là quá trình phát tán. Quá trình này sản sinh ra các các khí độc gây mùi khó chịu đặc trưng mà dân gian vẫn quen gọi là hơi đất. Độ ẩm đẩy lên càng cao thì các khí này phát sinh càng mạnh, gồm cả khí nóng dưới đất lẫn với hơi nước bốc lên, phát tán vi khuẩn vào không khí.
Nguy cơ mắc bệnh hô hấp, thấp khớp, tiêu chảy
BS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các khí này là hiện tượng tự nhiên khó tránh khỏi nhưng cũng là khí độc. Vì vậy, việc ra ngoài trời vào thời điểm này là không nên, có thể hít phải hơi đất bốc lên cùng với đó là các khí độc, vi sinh vật lẫn trong không khí bốc hơi, các chất này sẽ giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể, đồng thời một số chất sẽ cố định trong cơ thể từ đó sinh ra các mầm bệnh.
Ngoài ra, mưa ẩm cũng khiến các vi khuẩn, virus có điều kiện sinh sôi, phát triển và lây lan. Đây là nguyên nhân làm tăng các bệnh tiêu chảy, cảm cúm, các bệnh đường hô hấp…
Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam cũng cho rằng, độ ẩm cao trong không khí kết hợp với khí nóng do nước bốc hơi lên gọi là hiện tượng thấp nhiệt sẽ gây bệnh phong thấp với các triệu chứng tê mỏi, sưng đau các khớp. Với cơ địa của từng người sẽ có sự thích nghi khác nhau, nhưng người có tiền sử bệnh khớp sẽ dễ bị ảnh hưởng hơn.
Đối với những người có tiền sử bệnh khớp thì tốt nhất không nên đi bộ ra ngoài đường, không chỉ khi mới mưa xuống mà ngay cả vào lúc chiều tối khi đã tắt nắng nhưng hơi nóng dưới mặt đường vẫn còn bốc lên rất mạnh.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, với người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính hay người có sức đề kháng kém cần lưu ý sau các đợt nắng nóng kéo dài, những ngày dịu mát hoặc có mưa rất dễ ảnh hưởng sức khoẻ. Bởi sự thay đổi điều kiện thời tiết đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi.
Sự thay đổi của thời tiết rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe
Giữ gìn cơ thể khoẻ mạnh
Và cách tốt nhất để giảm thiểu tác hại của hiện tượng thấp nhiệt vào cuối ngày nắng nóng là nên ở trong nhà để cơ thể kịp thích nghi dần với sự thay đổi đột ngột, tránh ra ngoài, nhất là khi trời vừa mới mưa xuống. Các hoạt động vận động ngoài trời cũng nên hạn chế ngay cả khi trời tắt nắng.
Trong thời gian này, tốt nhất nên lựa chọn các hoạt động thể dục thể thao trong nhà để hạn chế để cơ thể tiếp xúc gần với mặt đất đang còn sức nóng bốc lên, vừa dễ làm tăng nhanh nhiệt độ cơ thể khi vận động, dễ mất nước, gây mỏi mệt, nhanh xuống sức.
Các bác sĩ cũng khuyên nên chú ý ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, rèn luyện cơ thể, bổ sung đầy đủ các nhóm vitamin và khoáng chất cần thiết giúp cơ thể khoẻ mạnh, tăng cường sức đề kháng để chống chọi với những thay đổi của thời tiết.
Huy Khánh