Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khá cao ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên lại rất ít người hiểu rõ về căn bệnh này.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Theo Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổ biến, có thể phòng và điều trị được. Bệnh được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở và/hoặc phế nang, thường gây nên bởi sự phơi nhiễm đáng kể với các hạt bụi hoặc khí độc hại và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vật chủ bao gồm cả sự bất thường trong quá trình phát triển của phổi.
Phổi ở người bình thường và phổi ở người mắc bệnh COPD có 2 vị trí tổn thương chính là viêm ở đường thở (khí-phế quản) và phá hủy nhu mô phổi (khí phế thũng) |
Ai có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất.
Khói thuốc lá, thuốc lào kể cả hút chủ động hay thụ động là nguy cơ hàng đầu gây COPD. Các yếu tố nguy cơ khác như người làm việc trong môi trường có nhiều bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian lâu, cường độ mạnh thì có thể dẫn đến COPD và khi có thêm khói thuốc lá thì tiến triển của bệnh càng nặng hơn.
Cần chú ý cả những người sống ở nơi bị ô nhiễm không khí (kể cả không khí trong và ngoài nhà) cũng có nguy cơ mắc COPD: Nồng độ ô nhiễm không khí cao ở thành thị rất có hại cho người bệnh tim và phổi. Sự ô nhiễm không khí trong nhà như khói từ các chất đốt củi, rơm rạ, than…đặc biệt ở nơi thông gió kém là các nguy cơ cao gây COPD.
Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Triệu chứng cơ năng nổi bật nhất của COPD là ho khạc đờm mạn tính và khó thở. Lúc đầu thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong một năm và liên tục từ 2 năm trở lên. Khạc đờm vào buổi sáng, thường xuyên, đờm trong và nhày số lượng ít sau khi ho.
Tuy nhiên, một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ.
Khi nào người bệnh cần đi viện vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Tiến triển tự nhiên của COPD là một quá trình mạn tính và trên nền tảng này có các đợt nặng lên gọi là đợt bùng phát hay đợt cấp. Đặc trưng của đợt cấp COPD là sự thay đổi các triệu chứng của người bệnh như khó thở, ho kèm theo khạc đờm hoặc không, khác với diễn tiến hàng ngày, khởi phát cấp tính và có thể phải thay thuốc điều trị thường ngày.
Khi có các biểu hiện như khó thở tăng và/ hoặc ho khạc tăng, đờm đang màu trắng trong chuyển thành trắng đục hoặc đờm có màu xanh, màu vàng, thể tích đờm tăng, có thể có sốt hoặc không sốt, có đau ngực hoặc không, đặc biệt là người bệnh có thay đổi về ý thức (nói nhảm, ngủ gà, lơ lơ), cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, nhập viện điều trị hoặc có thể điều trị ngoại trú tùy theo mức độ đợt cấp.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa được không?
COPD là một bệnh mạn tính, có thể điều trị được nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, đặc biệt trong các đợt cấp của bệnh (đỡ khó thở, đỡ ho khạc đờm, đờm về màu trắng, hết sốt…), duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm nguy cơ bệnh tiến triển như giảm tần suất các đợt cấp, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh này.
Cần làm gì sau khi điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở viện về nhà?
Điều trị duy trì tại nhà sau khi điều trị ổn định đợt cấp của COPD là một việc làm hết sức quan trọng. Sau khi ra viện, bác sĩ sẽ kê cho người bệnh sử dụng các loại thuốc uống hoặc thuốc hít, thuốc xịt. Các thuốc này bản chất là các thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài, có thể kết hợp với thành phần corticoid dạng phun hít hoặc không.
Người bệnh cần duy trì đều đặn và đúng thao tác sử dụng các thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, người bệnh nên giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người khác để tránh nguy cơ khởi phát đợt cấp do hít phải khói bụi hoặc nhiễm virus.
Người bệnh cần tiêm phòng vacxin cúm hàng năm và vacxin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần vì khi tiêm phòng cũng đã được chứng minh giảm nguy cơ đợt cấp của bệnh.
Tập thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể để giảm cảm giác khó thở, tăng khả năng thích nghi với các hoạt động sinh hoạt, lao động hằng ngày, tốt nhất là các bài tập thiền, tập thở kiểu bụng (thở hoành) hoặc Yoga.
Bổ sung dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh |
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ra sao?
Khoảng 25 – 40% người bệnh COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Việc bổ sung dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hậu quả của suy dinh dưỡng ở người bệnh COPD: làm giảm tính đàn hồi của phổi và chức năng hô hấp; giảm khối lượng, giảm sức cơ của cơ hô hấp; thay đổi cơ chế miễn dịch tại phổi; dễ nhiễm trùng tại phổi; thiếu đạm, sắt làm giảm nồng độ Hemoglobin trong máu đây là chất có vai trò quan trọng trong vận chuyển oxy; thiếu vitamin C ảnh hưởng đến tổng hợp Collagen – thành phần quan trọng của mô liên kết ở phổi.
Vì vậy, người bệnh COPD cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm cả đạm, mỡ, đường, tinh bột và các muối khoáng nếu như không bị hạn chế do bệnh đồng mắc khác như suy thận, tăng huyết áp hay đái tháo đường.
Tuy nhiên, ở người bệnh có tăng khí Carbonic (CO2) trong máu, không nên ăn quá nhiều thức ăn tinh bột và đường, vì các sản phẩm chuyển hóa của loại thức ăn này có thể làm tăng loại khí này trong máu.
Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như thế nào?
Người bệnh COPD phải thăm khám định kỳ mỗi tháng. Khi đến Bệnh viện, người bệnh được các bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm và đo chức năng hô hấp để nhận định được mức độ tắc nghẽn và giai đoạn của bệnh. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị cụ thể hóa cho từng người bệnh.
Đồng thời, hướng dẫn người bệnh dùng thuốc tại nhà, hướng dẫn chế độ sinh hoạt hợp lý và các bài tập phục hồi chức năng cho cơ hô hấp. Khi trở về điều trị tại nhà, người bệnh sẽ được theo dõi định kỳ hàng tháng. Mỗi lần thăm khám theo lịch khám định kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chức năng hô hấp, tư vấn và cấp thuốc điều trị dự phòng cho người bệnh.
TS.BS Phạm Thị Phương Nam, (Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)