Các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ là nguyên khí của quốc gia

"Đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ chính là nguyên khí của quốc gia, là “vốn quý của dân tộc” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định" - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Ngày 16/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng tại hội nghị.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Kính thưa quý vị đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ,
Thưa các đồng chí,
Trong không khí giao hòa, hân hoan của đất trời và lòng người khi vào xuân; mừng đất nước ta ngày càng vững vàng trên hành trình đổi mới và phát triển; mừng Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh tròn 93 mùa xuân; hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan Trung ương rất vui mừng gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023. Cuộc gặp mặt hôm nay càng thêm ý nghĩa khi chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023).
Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu có mặt tại đây, cùng toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Cac nha khoa hoc, tri thuc, van nghe si la nguyen khi cua quoc gia
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí,
Qua những ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu vừa nêu, điều nhận thấy là, từ nhiều lĩnh vực, góc độ tiếp cận khác nhau, các ý kiến đều bày tỏ niềm vui trước những thành tựu quan trọng với những dấu ấn nổi bật mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua và năm 2022, cùng những dự cảm tốt đẹp, những đề xuất thiết thực, có ý nghĩa cho năm 2023 và các năm sắp tới. Tôi cùng các đồng chí chủ trì cuộc gặp mặt trân trọng cảm ơn, đánh giá cao và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất xác đáng của các bác, các anh, các chị.
Như chúng ta đã biết, năm 2022 vừa qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước, bên cạnh thuận lợi, thời cơ, có rất nhiều khó khăn, thách thức. Với sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, đất nước ta tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, đó là:
- Nền kinh tế có bước phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt hơn 8%, là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức an toàn. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.
- Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Sau chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tổ chức ngày 24-11-2021), các cấp, các ngành đã nhận thức và hành động mạnh mẽ hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo cơ sở quan trọng cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ người có công với cách mạng, đồng bào khó khăn, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được triển khai kịp thời. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục đổi mới, đạt nhiều kết quả đáng mừng, từng bước bắt nhịp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
- Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tiến hành chủ động, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả. Đã có gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt cả trực tiếp và trực tuyến; trong đó triển khai 14 chuyến thăm và đón 19 đoàn lãnh đạo cấp cao, tăng 15 đoàn so với năm 2021. So với năm 2021, lãnh đạo chủ chốt có 14 hoạt động trực tiếp, 70 hoạt động trực tuyến, trong đó có 10 chuyến thăm các nước; nhiều văn kiện, thoả thuận hợp tác cụ thể, thực chất được ký kết nhân các dịp này.
Nổi bật nhất là chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư dẫn đầu đã thành công rất tốt đẹp trên tất cả phương diện, góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Đến nay, nước ta có quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với 4 quốc gia; có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cơ bản hoàn tất việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân Việt Nam, kiều bào ta tại Ukraine ra khỏi các khu vực chiến sự; tiếp nhận và đưa về 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia; có biện pháp bảo hộ phù hợp với công dân Việt Nam tại nhiều địa bàn; kịp thời đưa hơn 700 ngư dân của ta ở nước ngoài về nước.
Sự kiện Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 77, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026 với tín nhiệm cao là minh chứng rõ nét về uy tín, vị thế quốc tế, khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
- Trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định được các cấp uỷ, tổ chức Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, nhanh đi vào cuộc sống, được Nhân dân đánh giá cao như: Bố trí công tác đối với cán bộ các cấp sau khi bị xử lý kỷ luật; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ...
Trong năm 2022, với ý thức trách nhiệm chính trị trước những sai phạm của cán bộ cấp phó trực tiếp quản lý và lĩnh vực phụ trách, một số đồng chí lãnh đạo cấp cao đã tự giác nhận trách nhiệm chính trị và tự nguyện xin thôi giữ các chức vụ và đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII cho 3 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị Trung ương ngày 30-12-2022 đã cho 2 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị Trung ương ngày 17-1-2023 đã cho đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội chấp thuận.
- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”. Nhiều văn bản quan trọng của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện hiệu quả; trong đó điểm nhấn là 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đã tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, nghiêm minh, hiệu quả, theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) theo công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2022, Việt Nam tiến 10 bậc (77/180 quốc gia) so với năm 2021 (87/180 quốc gia).
Nhìn lại những năm qua, nhất là năm 2022, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước ta tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tích cực cống hiến tài năng, trí tuệ, tham gia xây dựng cơ sở, luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; gìn giữ, phát huy và sáng tạo các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật chất lượng cao…, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào thành tựu chung của đất nước những năm qua.
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí,
Các bậc tiền nhân đã dạy “Phi trí bất hưng” (Lê Quý Đôn) và “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” (Thân Nhân Trung). Ngay khi nước nhà giành độc lập, gặp vô vàn khó khăn, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến việc thu hút và trọng dụng nhân tài cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Người chỉ rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”, bài “Tìm người tài đức”, Bác Hồ viết năm 1948. Cho đến hôm nay, với dân số gần 100 triệu người và hơn 5 triệu đồng bào ta ở nước ngoài thì chắc chắn rằng, người có tài, có đức sẽ nhiều hơn rất nhiều.
Đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ chính là nguyên khí của quốc gia, là “vốn quý của dân tộc” như sinh thời Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định. Hiện nay, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp khoảng 2,2 triệu trí thức, nhà khoa học; Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam tập hợp hơn 40 nghìn văn nghệ sĩ. Ngoài ra, còn lực lượng hùng hậu các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực, đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài… Nói đến các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, trước tiên là nói đến tài năng, tâm huyết, lòng yêu nước, sự mẫn cảm với thời cuộc, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, với Nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong điều kiện và khả năng có thể để thúc đẩy giải phóng năng lực nghiên cứu, sáng tạo và khuyến khích mọi thể nghiệm, tìm tòi của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước, trên tinh thần cùng chia sẻ và nhân lên tình yêu, niềm cảm hứng, khát vọng và quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chúng ta vô cùng xúc động nhớ đến những bậc nhân sĩ, trí thức, văn nhân, nghệ sĩ cách mạng tiền bối. Với lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, thế hệ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ khai sáng đã đi theo tiếng gọi của non sông, của Bác Hồ, chấp nhận hy sinh, gian khổ, cống hiến tài năng, sức lực, tự nguyện hòa mình vào cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại, được lịch sử dân tộc vinh danh. Hùng tâm tráng chí của các vị trí thức, văn nhân tiền bối đã để lại cho hậu thế hôm nay bài học sâu sắc về giá trị làm người.
Cac nha khoa hoc, tri thuc, van nghe si la nguyen khi cua quoc gia-Hinh-2

Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí,
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); tình hình quốc tế và trong nước dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu toàn diện; trong đó, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ giữ vai trò tiên phong, “là lớp tiên tri, tiên giác” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định. Để tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy sứ mệnh, vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi đề nghị:
- Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tạo động lực để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển năng lực bản thân, được tạo cơ hội, điều kiện cần thiết, phù hợp với điều kiện đất nước để cống hiến cho Tổ quốc. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ người Việt có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước. Thật sự tôn trọng và có cơ chế phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với những vấn đề của đất nước.
- Năm 2023, Đảng ta sẽ tiến hành tổng kết 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; tổng kết Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các cơ quan Trung ương, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam phải thực hiện thật tốt quá trình tổng kết các nghị quyết nêu trên một cách căn cơ, toàn diện và sâu sắc. Trong quá trình này, phải nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham gia xác đáng của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những quyết sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
- Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với vận mệnh và tương lai dân tộc. Vì thế, tôi trân trọng đề nghị các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tiếp tục tận tâm, tận hiến vì quốc gia, dân tộc trong vận hội mới; giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách; không ngừng phát huy tài năng, trí tuệ, tăng cường đoàn kết, hợp tác, chú trọng đào tạo, dìu dắt thế hệ kế cận sẵn sàng gánh vác trọng trách trong tương lai. Nước nhà thống nhất đã gần 50 năm, chúng ta cần cùng nhau xác định đúng tâm thế, tầm nhìn, khát vọng, quyết tâm lớn lao vì một nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí,
Bước vào mùa Xuân mới, với thế và lực mới, thời cơ và vận hội mới, tôi hy vọng và tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, với tài năng, tâm huyết và bản lĩnh vững vàng, lòng yêu nước nồng nàn đã được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm qua; với truyền thống văn hiến và anh hùng của dân tộc, sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm những thành tựu mới trong năm Quý Mão 2023, đóng góp xứng đáng cho sự vững mạnh của dân tộc, tiếp tục bồi đắp và làm rạng rỡ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Với niềm tin sâu sắc ấy, trong không khí đầm ấm, thân tình của cuộc gặp gỡ đầu Xuân hôm nay, một lần nữa xin chúc các quý vị đại biểu, các bác, các anh, các chị năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, dồi dào sức sáng tạo, giành nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp cao quý của mình.
Xin trân trọng cảm ơn.
Theo Đời sống
Không để chậm trễ khắc phục sạt lở sau bão lũ

Không để chậm trễ khắc phục sạt lở sau bão lũ

Không chỉ riêng Yên Bái mà các tỉnh thành khác bị ảnh hưởng cơn bão số 3 cần khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ một cách nhanh, gọn, hiệu quả nhất có thể để sớm ổn định đời sống của người dân.
back to top