Liên quan đến người dân huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) dựng lều bạt chặn xe rác của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn hồi 13/7 vừa qua, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường – ông Hoàng Văn Thức cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mấy năm qua thỉnh thoảng có sự việc người dân phản đối. Thứ nhất là do vị trí đặt quy hoạch khu xử lý chất thải có vấn đề. Có bãi rác thì đảm bảo quy định cách khu dân cư 500m, nhưng có bãi rác chỉ có cách mấy trăm mét, khi hoạt động gây ô nhiễm mùi, nước có vấn đề, người dân có ý kiến đề nghị chính quyền có biện pháp di dời.
Thứ hai, là do công nghệ xử lý vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đợt tổng kiểm tra, rà soát năm 2019 cho thấy có tới 71% rác phải thực hiện chôn lấp. Tỷ lệ dùng công nghệ khác là rất thấp, việc đốt chỉ có 13%.
Trong khi đó, đối với các thành phố lớn, đô thị lớn mà lượng rác sinh hoạt phát sinh nhiều hằng ngày như Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng, Cần Thơ... nên được khuyến khích các công nghệ xử lý tiên tiến hiện đại, đốt phát điện hoặc công nghệ thu hồi năng lượng.
Tuy nhiên, theo ông Thức, vấn đề lớn nhất là nguồn lực. Hiện nay, lĩnh vực xử lý rác thải đã thu hút được nguồn lực xã hội hóa, các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia. Nhưng "chúng ta phải giải quyết bài toán quy hoạch, công nghệ và nguồn lực. Công nghệ ở đây liên quan đến việc tổ chức, phân loại, thu gom từ nguồn và công nghệ nào sẽ có chu trình đi theo.