Các bài thuốc đơn giản chữa thiểu năng tuần hoàn não

(khoahocdoisong.vn) - Các bài thuốc dễ kiếm, dễ chế, dễ dùng và rẻ tiền đều đã được nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng chứng minh là có tác dụng cải thiện tuần hoàn não, tuần hoàn vành tim, điều chỉnh rối loạn lipid máu, phòng và chống tắc mạch.

Thiểu năng tuần hoàn não (TNTHN) là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người có tuổi và đang có xu hướng gia tăng. Có hai nguyên nhân chính: Một là do các mảng vữa xơ làm hẹp lòng động mạch cung cấp máu nuôi não, hai là do hư xương sụn cột sống cổ gây nên tình trạng thiểu năng hệ động mạch đốt sống - thân nền. Cả hai nguyên nhân đều đưa đến hậu quả làm tổ chức não thiếu dưỡng khí và từ đó phát sinh hàng loạt triệu chứng như: Đau nặng đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai, giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc, tê bì tay chân, mất ngủ...

Trong y học cổ truyền, TNTHN thuộc phạm vi các chứng “huyễn vựng”, “đầu thống”, “thất miên”, “tiểu trúng phong”...với các biện pháp trị liệu hết sức theo biện chứng luận trị:

 TNTHN do hư cột sống cổ: Sắn dây tươi (sinh cát căn) 15 - 18g, câu đằng 6 - 9g. Hai vị thái vụn trộn đều, mỗi lần lấy 20 - 30g cho vào túi vải hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 - 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Thăng thanh sinh tân, bình can tức phong, dùng rất tốt cho người bị TNTHN do hư xương sụn cột sống cổ có huyết áp cao, đầu gáy cứng đau, tai ù tai điếc. Tuy nhiên, người dễ bị đi lỏng do tỳ vị hư yếu thì không nên dùng bài thuốc này.

THNHN hay chóng mặt, buồn nôn: Thiên ma 10g, bán hạ chế 9g, xuyên khung 7g, sa tiền tử 15g. Các vị tán vụn trộn đều, mối lần lấy 40g cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Tức phong, sáng mắt, táo thấp, hoá đàm, dùng thích hợp với những người bị TNTHN biểu hiện triệu chứng mình mấy nặng nề, hay chóng mặt, buồn nôn, lợm giọng, đại tiện lỏng nát...Những người bị âm hư hoả vượng, hay phiền táo thì không nên dùng bài này.

TNTHN kèm cao huyết áp: Nấm linh chi 3 - 5 g thái vụn, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày, mỗi ngày từ 1 - 2 lần. Công dụng: Bổ hư, an thần, chỉ khái, bình suyễn, giáng áp, dùng thích hợp cho những người bị TNTHN có cao huyết áp, thiểu năng mạch vành, rối loạn lipid máu và đường huyết cao.

TNTHN do xơ vữa động mạch: Nấm linh chi 10g, hà thủ ô chế 15g, ngọc trúc 15g, kỷ tử 15g, nữ trinh tử 15g, thạch xương bồ 10g. Tất cả đem sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang. Công dụng: Bổ ích can thận, dùng rất tốt cho những người bị TNTHN do vữa xơ động mạch.

 TNTHN + mỡ máu cao: Thảo quyết minh, đan sâm, xuyên khung, sơn tra, liều lượng như nhau. Tất cả đem thái vụn, sao thơm, mỗi lần dùng 20 - 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Hoạt huyết hoá ứ, làm giảm cholesterol máu. Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh thì không nên dùng bài này.

TNTHN + thiểu năng mạch vành: Hồng hoa 10g, đan sâm 30g, sinh sơn tra 30g. Tất cả đem sắc kỹ lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang, chia uống 2 lần sáng và chiều. Công dụng: Hoạt huyết, hoá ứ, tiêu trệ, làm giảm cholesterol máu, dùng thích hợp cho những người bị TNTHN có cao huyết áp, thiểu năng mạch vành và rối loạn lipid máu. Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh thì không nên dùng bài này.

TNTHN gây khó thở, tức ngực: Sinh địa sấy khô 12g, mạch môn 12g, huyền sâm 12g, thạch hộc 9g, nữ trinh tử 9g, nhục dung 9g. Tất cả đem sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, chia uống 2 lần sáng và chiều. Công dụng: Thanh nhiệt tư âm, bổ can ích thận, dùng thích hợp cho những người bị TNTHN có các chứng đầu choáng mắt hoa, tứ chi tê bì, khó thở tức ngực, miệng khô họng ráo, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ. Người có chứng đàm thấp, tỳ vị hư yếu dễ đi lỏng thì không nên dùng bài thuốc này.

TNTHN có thiểu máu cơ tim: Đan sâm 100g, tam thất 20g. Cả hai thứ đem sao thơm rồi tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g. Công dụng: Hoạt huyết, bổ huyết, dùng thích hợp cho những người bị TNTHN có thiếu máu cơ tim, vữa xơ động mạch. Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh thì không nên dùng bài thuốc này.

Lưu ý: Để đạt được hiệu quả như mong muốn, lời khuyên và sự chỉ dẫn tỉ mỉ của các thầy thuốc y học cổ truyền bao giờ cũng là điều hết sức cần thiết.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top