Hiện nay, Việt Nam đã nới lỏng giãn cách xã hội. Xin hỏi, việc đeo khẩu trang còn phải kéo dài đến bao giờ?
Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), một trong những nguyên nhân khiến đại dịch Covid-19 lại bùng phát một cách khủng khiếp ở Mỹ và châu Âu có thể do người dân không có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường hay đến nơi công cộng.
Một người bệnh đi ngoài đường không đeo khẩu trang, qua hơi thở, SARS-CoV-2 có thể thoát qua mũi và miệng. Khi ra ngoài môi trường, virus có thể nằm trong các giọt sương mù hoặc các hạt bụi mịn và được khuếch tán trong không khí. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và phòng dịch trong cộng đồng, bắt buộc những người đi đường dù là đi bộ, xe đạp hay xe máy, đều phải đeo khẩu trang.
TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Trung ương cho rằng, đại dịch Covid-19 là cơ hội để chúng ta nhìn lại một số thói quen thường ngày để bảo vệ sức khỏe. Việc đeo khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ, sử dụng nước diệt khuẩn… nên là những thói quen được duy trì ngay cả khi dịch Covid-19 đi qua. Bởi trong tương lai, con người có thể đối diện với nhiều loại dịch bệnh, nhiều loại virus lây lan nguy hiểm khác.
Điều đáng lưu ý là mùa nắng nóng sắp tới, nhu cầu sử dụng điều hòa sẽ tăng vọt, đặc biệt là trong các nhà trường. Môi trường đóng kín, người đông, chính là điều kiện thuận lợi để virus lây lan nhanh chóng. Do đó các nhà trường cần lưu ý, mở cửa thoáng gió, nếu có bật điều hòa thì cũng kết hợp sử dụng quạt gió thông thoáng, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nguyên tắc để đeo khẩu trang phòng dịch theo TS Phạm Thị Khoa là khẩu trang càng dày càng an toàn, càng nhiều lớp càng an toàn, càng ôm khít mồm mũi (nhưng thông thoáng) càng an toàn và quan trọng nhất là chỉ sử dụng một lần trong một thời gian ngắn rồi thay mới càng nhanh càng tốt, khi virus từ lớp ngoài chưa kịp dịch chuyển vào đến mặt trong của khẩu trang.