Mất tử cung vì phát hiện bệnh không điều trị
Đã được phát hiện u xơ tử cung từ 3 năm trước, tuy nhiên chị N.T.N không điều trị. Thời gian gần đây, chị N thấy bụng to bất thường, băng kinh kéo dài nên tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Siêu âm cho thấy tử cung kích thước to hơn bình thường, thành sau dưới niêm mạc có khối âm vang khác cơ tử cung kích thước 115x62x116mm.
Người bệnh được chẩn đoán: u xơ tử cung to/Thiếu máu nặng do băng kinh và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u đồng thời cắt tử cung bán phần để lại hai buồng trứng.
ThS.BSCKII Nguyễn Xuân Hải và BSCKII. Vũ Thị Trúc - khoa Phụ nội tiết A1 đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật ghi nhận tử cung bệnh nhân to tương đương tử cung có thai 5 tháng. Sau cùng, một khối u xơ nặng trên 3kg đã được lấy ra trọn vẹn.
ThS.BSCKII Nguyễn Xuân Hải và bệnh nhân sau phẫu thuật |
Các chuyên gia cho biết, u xơ tử cung thường xuất hiện trong độ tuổi sinh đẻ gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và khả năng mang thai của người phụ nữ. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng đặc trưng, các biểu hiện thường giống với các bệnh phụ khoa khác: rối loạn kinh nguyệt, khí hư ra nhiều, đau tức hạ vị... nên chị em thường bỏ qua. Khi khối u xơ đã lớn, rong kinh, rong huyết khiến bệnh nhân xanh xao, mệt mỏi hoặc u lớn gây chèn ép bàng quang hoặc trực tràng gây tức đại tiểu tiện, đi khám thì bệnh đã tiến triển nặng nên khó điều trị hơn.
U xơ tử cung là những khối u lành tính nên thường không gây nguy hiểm nên nhiều người chủ quan. Nhưng nếu không theo dõi sát, để u to nhanh lên, có thể ép vào xương chậu gây cảm giác đau, chèn ép vào đường dẫn tiểu, làm sưng thận, hay ép vào bàng quang gây cảm giác luôn muốn đi tiểu.
Đặc biệt nguy hại là u thường gây khó khăn cho sự làm tổ của trứng, gây gập, tắc vòi trứng hoặc che lấp lỗ cổ tử cung khiến cho việc thụ thai không thuận lợi, tăng nguy cơ hiếm muộn, vô sinh. Vì vậy, “khi thấy kinh nguyệt bất thường, lượng kinh và thời gian “đèn đỏ” kéo dài, bụng dưới xuất hiện những cục nhỏ, âm đạo tiết nhiều huyết trắng, vùng thắt lưng đau nhức… thì nên đi khám để phát hiện và theo dõi bệnh thường xuyên, để có hướng điều trị kịp thời nhất.
Chủ quan dễ mất con và cả buồng trứng
BSCKII. Nguyễn Xuân Hải khuyến cáo, bệnh nhân u xơ tử cung chớ nên chủ quan, bệnh nhân ngay khi gặp hiện tượng bất thường nên đi khám, lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa và gây mê hồi sức chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm để được điều trị an toàn và hiệu quả nhất. Tránh nên vì muốn sinh con không xử lý để u có kích thước lớn thì khả năng có con cũng rất khó.
Thực tế không ít người bị u xơ tử cung nhưng chờ sinh con xong mới cắt, nhưng khi có thai u phát triển đột biến (do sự thay đổi hormon khi có thai) chèn ép vào thai, buồng trứng, tử cung nên vẫn phải bỏ thai, phẫu thuật cắt bỏ cả cả buồng trứng và tử cung, mất hoàn toàn cơ hội làm mẹ
Các chuyên gia cho biết, phụ nữ có u xơ tử cung sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ. Khi tử cung có nhân xơ dễ làm cho thai bị sảy hoặc bị sinh non, làm cho ngôi thai bất thường, rau tiền đạo, rau cài răng, kéo dài cơn chuyển dạ gây đẻ khó... Đứa trẻ sinh ra thiếu cân do máu nuôi thai phải chia một phần nuôi khối u xơ. Tử cung có nhân xơ thường to, mềm và nhão nên khi sinh người phụ nữ dễ bị băng huyết, nhiễm trùng sau sinh.
Những u xơ lớn lên có thể ép vào xương chậu gây cảm giác đau. Ngoài ra, chúng còn ép vào đường dẫn tiểu, làm sưng thận hay ép vào bọng đái gây cảm giác luôn muốn đi tiểu. Những khối u to, nằm ở vị trí tiền đạo có thể làm cho sản phụ không tự sinh con được mà phải mổ. Khi xổ rau, sản phụ có u xơ tử cung dễ băng huyết do sót rau hoặc tử cung co hồi kém.... Vì vậy, những thai phụ có u xơ tử cung cần được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ, phòng ngừa sảy thai, sinh non, tử vong thai nhi…
U xơ tử cung nếu nhỏ dưới 5 cm, phụ nữ có nhu cầu sinh con thì thường được điều trị bằng thuốc. Nếu khối u to thì phải mổ bóc tách và bảo tồn tử cung, phụ nữ vẫn có cơ hội mang thai. Nếu khối u quá lớn, bệnh nhân lớn tuổi thì phải phẫu thuật cắt tử cung (bán phần hoặc toàn phần).