BOT: Muốn thành công, đừng áp đặt!

Vụ BOT Cai Lậy cho thấy một thực tế quản trị mới ở nước ta. Muốn thành công thì cần sự hợp tác chứ không thể áp đặt!”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Đáng

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Đáng, Ứng viên Tiến sỹ, ngành Quản trị & Chính sách công, Đại học Portland State, Hoa Kỳ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Việc lấy ý kiến chưa hiệu quả

Những ngày qua, trạm thu phí BOT Cai Lậy trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Ông đánh giá như thế nào về cách phản ứng của các lái xe?

Tôi thấy sự phản ứng của người dân là chính đáng. Dự án BOT không phải là một công trình hoàn toàn sử dụng ngân sách công để phục vụ lợi ích công. Ở đây có sự tham gia của các nhà đầu tư từ khu vực tư nhân – tức là các chủ thể không đại diện cho lợi ích công. Do đó, khi người dân không đồng tình thì sẽ phản đối bằng nhiều cách. Và cho tiền lẻ vào chai là cách phản đối rất hòa bình.

Chứ không phải là cách gây khó cho nhà đầu tư như việc nhà đầu tư BOT Cai Lậy đã “cầu cứu”?

Họ vẫn nộp tiền mà. Tiền do Nhà nước ban hành. Có điều khoản pháp luật nào cấm không được cho tiền vào chai đâu! Cách làm đó chỉ thể hiện thông điệp phản ứng là tôi không đồng ý với quyết định này chứ không phải là chống lại chính quyền, hay làm khó nhà đầu tư. Nếu chống đối thì họ phải bao vây trạm thu phí, đe dọa  hay thậm chí phá hoại các cơ sở vật chất đó chứ.

Trả lời báo chí, một lãnh đạo của Bộ GTVT cho biết trạm Cai Lậy đặt trên phạm vi dự án, đã lấy ý kiến các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương. Chứng tỏ họ cũng có tôn trọng người dân? Liệu những phản ứng này có là vô lý?

Tôi cho rằng cách lấy “ý kiến” như vậy là chưa thấu đáo. Các cơ quan mà lãnh đạo Bộ GTVT nói đến thì vẫn trong cấu trúc chính quyền. Khi có quyết định của tỉnh, của Bộ GTVT thì các thiết chế chính trị ấy liệu có ý kiến phản biện thực sự khách quan hay không? Trong khi người trực tiếp sử dụng công trình đó là người dân?

Tức là phản ứng của người dân thể hiện sự mâu thuẫn với phát biểu của vị lãnh đạo Bộ GTVT?

Tôi thấy rõ ràng là có khoảng cách giữa quan điểm của các cơ quan chính quyền và quan điểm của người dân – cụ thể là nhóm lái xe thường xuyên qua đây. Theo tôi, việc lấy ý kiến cần phải thực hiện qua cả hai hình thức: gián tiếp thông qua các cơ quan tổ chức và trực tiếp đến tận người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi trạm thu phí như người dân sở tại và các tài xế.

Người dân có quyền từ chối

Đã có những quy định cụ thể về việc phải tham khảo ý kiến người dân đối với các vụ việc như thế này chưa, thưa ông?

Về mặt quan điểm quản trị thì Đảng và Nhà nước đã có nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cũng đã có một số quy định cụ thể. Tuy nhiên, vụ BOT Cai Lậy cho thấy việc chuyển tải nguyên tắc đó thành thực tế thể chế thì có thể nói là chưa tốt. Chẳng hạn như người dân được biết nhưng biết đến đâu? Họ được tham gia nhưng tham gia đến công đoạn nào? Tham gia trực tiếp hay gián tiếp? Hay ý kiến người dân được tiếp thu trên nguyên tắc nào?…

Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, hiện cả nước có nhiều trạm thu phí. Nếu cứ vì người dân phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn. Như vậy, việc tham khảo ý kiến người dân cũng cần mang tính “chọn lọc”?

Tôi lại cho rằng đó là cách nghĩ rất có vấn đề. Bởi khi người dân thụ hưởng dịch vụ, trả tiền cho dịch vụ đó thì ý kiến người dân phải được quan tâm. Tất nhiên, không thể cứ người dân nói gì là chính quyền phải làm theo nhưng chính quyền nào cũng vậy, không thể bỏ qua ý kiến người dân. Và đặc biệt trong mối quan hệ hợp tác công –  tư này càng bắt buộc phải coi trọng ý kiến người dân.

Vì sao vậy, thưa ông?

BOT chỉ là một công cụ chính sách, hiện thực hoá cơ chế hợp tác công – tư để thực hiện chính sách phát triển cơ sở hạ tầng. Các nhà nghiên cứu gọi đây là mô hình quản trị theo chiều ngang – tức là các chủ thể ngoài nhà nước tham gia vào các cam kết (hợp đồng), hình thành mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn chứ không phải quan hệ theo trật tự thứ bậc mang tính áp đặt.  Mô hình này khác với mô thức quản trị truyền thống vốn dựa trên cơ sở quyền lực công, được tổ chức theo chiều dọc từ trên xuống dưới. Trong đó, chính quyền nhà nước đặt ra các điều luật và người dân có nghĩa vụ chấp hành.

Với mô hình này, quyền của người dân sẽ được thể hiện thế nào?

Với mô hình này, chính quyền không thể chỉ dựa vào quyền lực công để áp đặt các quyết định của mình. Các chủ thể ngoài nhà nước như nhà đầu tư, các tổ chức xã hội, hay người dân có vị thế bình đẳng hơn xét về quan hệ quyền lực. Do vậy, họ không chỉ có quyền mà rất dễ dàng phản ứng, thậm chí rút khỏi các cam kết nếu như lợi ích của mình không được tính đến thoả đáng. Và muốn thành công thì cần có sự hợp tác chứ không nên áp đặt người dân!

Bài học không chỉ với BOT Cai Lậy

Như vậy, vụ BOT Cai Lậy cho thấy cần xem xét lại việc tham khảo ý kiến người dân? Rộng hơn là sự tham gia của người dân vào quản trị công?

Với đặc trưng quan hệ đối tác bình đẳng hơn trong mô hình hợp tác công – tư thì phải chấp nhận sự chia sẻ quyền lực. Nhà nước không thể áp đặt nhà đầu tư. Nhà đầu tư không có sự chính danh của quyền lực công để áp đặt người dân phải tuân thủ các quyết định của họ. Còn người dân với tư cách là một chủ thể tham gia vào các cam kết quản trị, như tôi đã nói, hoàn toàn có quyền phản đối cái dịch vụ đó nếu lợi ích của họ bị ảnh hưởng.

Tức là người dân cũng có một vị thế bình đẳng đối với chính quyền và chủ đầu tư?

Đúng vậy, trong mô hình quản trị theo chiều ngang, trật tự thứ bậc được thay bằng quan hệ đối tác. Các chủ thể như chính quyền – người dân – nhà đầu tư sẽ bình đẳng hơn về vị thế. Để quan hệ này thành công bắt buộc phải có sự hợp tác chứ không thể ép buộc hay áp đặt như trong mô hình quản trị truyền thống được.

Giả sử vẫn là sự “áp đặt duy ý chí” thì sẽ ra sao?

Hiển nhiên là nguy cơ thất bại của các quyết định quản trị. Nhà đầu tư có thể không tham gia quan hệ đối tác đó nữa. Người dân có thể không sử dụng dịch vụ đó nữa, và trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thì lâu ngày sẽ có phản ứng cực đoan hơn. Rõ ràng như vậy sẽ tạo ra không chỉ mối quan hệ căng thẳng giữa người dân với chính quyền, mà còn gây rủi ro cho cả nhà đầu tư.

Theo tôi được biết, mô hình hợp tác công – tư như ông nói hiện xuất hiện trong nhiều lĩnh vực. Vậy bài học rút ra từ vụ việc BOT Cai Lậy này là gì?

Mô hình hợp tác công – tư này có thể xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục… Thực tế này đặt ra nhu cầu về cách tiếp cận mới về quản trị công như tôi đã nói. Để tránh những vụ như BOT Cai Lậy thì các nhà quản trị công cần được trang bị kiến thức và kỹ năng mới, giúp họ thích ứng với bối cảnh quản trị hiện nay. Bởi vì trước một thực tế quản trị mới mà cứ áp dụng cách thức quản trị cũ thì khả năng thất bại của các quyết định quản trị là điều có thể dự báo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) hoạt động từ 1/8. Trạm thu phí này nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì mặt đường quốc lộ 1. Mức phí qua trạm mỗi lượt từ 35.000 – 180.000đ. Do trạm nằm trên quốc lộ 1 nên ô tô không đi vào đường tránh Cai Lậy cũng phải mua vé. Cho rằng mức vé quá cao và vị trí đặt trạm không hợp lý, một số tài xế đã phản đối bằng cách hẹn nhau dùng tiền mệnh giá 200đ,  500đ nhét vào chai nhựa để trả khi qua trạm thu phí, khiến nhân viên trạm thu phí mất nhiều thời gian kiểm đếm.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top