Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác
Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Trong công văn, Bộ Y tế cho biết, thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4 - 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Các tỉnh, thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế.
Đề nghị các địa phương thúc đẩy tiêm vaccine COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để kế hoạch được triển khai một cách quyết liệt.
Ảnh minh họa. - Ảnh: internet. |
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, địa phương cần chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Địa phương cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
Công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. |
Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm.... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc dẫn đến gây nguy cơ dịch chồng dịch. |
Phó Giám đốc CDC Hà Nội lý giải số ca mắc COVID-19 tăng những ngày qua
Trao đổi trên Sức khỏe & Đời sống, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết: "Nhận định ca COVID-19 gia tăng không có nghĩa là dịch bùng phát. Do đây là thời điểm giao mùa nên các bệnh như cúm mùa, COVID-19 có thể tăng cao".
Lý giải thêm về điều này, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, do hiệu quả của vaccine đã giảm dần theo thời gian và ngay cả người đã tiêm đủ các mũi vẫn có thể nhiễm bệnh. Ông Khổng Minh Tuấn cũng khẳng định, số ca nhiễm COVID-19 vẫn thấp hơn nhiều so với cúm mùa.
Vì vậy, ông Khổng Minh Tuấn đề nghị các bệnh viện rà soát để có đề xuất mua vaccine phòng COVID-19; tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh nhất là với người cao tuổi và người có bệnh lý nền; Khuyến cáo người dân tiêm đủ các mũi vaccine; những ca bệnh nhẹ, triển khai cách ly tại nhà; nhập viện điều trị với các ca nặng…
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 661 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong; tỷ lệ người bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ chiếm tỷ lệ cao trên 90%. Từ 1/4 đến nay, số mắc COVID-19 tại Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ. Do COVID-19 là loại bệnh do virus họ cúm lây truyền qua đường hô hấp và thường diễn biến tăng lên theo mùa, đặc biệt là dễ lây lan trong thời tiết nồm ẩm.