Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tây Nguyên là khu vực trọng điểm, nhưng đến nay chưa có bệnh viện trung ương trên địa bàn.
Trong đầu tư công giai đoạn 2021-2026, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa vào xây dựng bệnh viện đa khoa của trung ương ngay trên địa bàn. Từ đó đảm bảo cung cấp y tế chất lượng cho khu vực.
“Còn đối với khu vực Tây Bắc, Bộ Y tế đang lựa chọn địa phương đảm bảo tiêu chí theo vùng, để làm sao người dân ở đó tiếp cận được với y tế một cách nhanh nhất, chất lượng nhất”, Bộ trưởng nói.
Khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ đều có kế hoạch và đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn đang đẩy nhanh đề án 26, 28. Đây là đề án khám chữa bệnh từ xa để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, các miền. Trong thời gian qua, đề án này đã được triển khai rất tốt.
Chúng ta đã tổ chức hàng ngàn các buổi hội chuẩn trực tuyến. Các cơ sở y tế không còn khoảng cách. Các bệnh viện trung ương đối với các bệnh viện ở vùng xa đều được kết nối với nhau để được trao đổi, hội chuẩn về mặt chuyên môn để xử lý các ca bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long còn nhắc tới vấn đề đạo tạo nguồn nhân lực. Đào tạo theo hướng tiếp cận các mặt bằng chung trên thế giới. Tới đây, sẽ đào tạo theo phương thức mới, 9 năm đối với một bác sỹ khi ra trường.
Nhân lực đối với những vùng khó khăn, Bộ đã có những đề án trình Chính phủ, trong đó đặt yêu cầu về chất lượng và số lượng cho những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Luân phiên, luôn chuyển, đề án đào tạo các bác sĩ trẻ đưa về các địa phương để đảm bảo chất lượng trên khắp cả nước đang được tiếp tục thực hiện.
Vấn đề đột phá tiếp theo, Bộ Y tế tiếp tục đầu tư y tế cho các vùng này. Chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới đây.