Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu câu hỏi về vấn đề thời gian hiệu lực xét nghiệm khác nhau giữa nhiều địa phương, có nơi quy định 72h, có nơi 48h, thậm chí 24h. Vậy chuẩn là bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời, xét nghiệm Covid-19 là vấn đề quan trọng, được WHO khuyến nghị liên tục bởi 80% ca nhiễm là không có triệu chứng. Cơ quản, thế giới lấy mốc 72h là mốc chuẩn cho kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, với tinh thần thích ứng an toàn hiện nay, Bộ trưởng cho biết việc xét nghiệm chỉ thực hiện với người đi từ vùng dịch ra bên ngoài, không xét nghiệm khi người dân di chuyển ở vùng tương đồng với nhau. Đơn cử như việc đi lại giữa 19 tỉnh, thành phố phía Nam thì không phải xét nghiệm, việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi đi ra khỏi khu vực, đến các vùng khác.
Chúng ta chỉ xét nghiệm với người dân đi từ vùng dịch trở về, và đó là trách nhiệm của cơ quan y tế không phải người dân phải tự đi xét nghiệm. Chúng ta phải nhận cái khó về chúng ta, không gây khó với người dân.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu câu hỏi về thực trạng nhiều ổ dịch mới phát sinh gần đây do làn sóng trở về của người lao động, "vùng xanh biến thành vùng vàng, vùng cam".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời, theo con số sơ bộ, có khoảng 1,6 triệu người lao động từ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đi về các địa phương và hiện cũng bắt đầu có hiện tượng di chuyển ngược lại.
Đối với tất cả những người đi về địa phương, Bộ Y tế xác định là nhóm có yếu tố nguy cơ, nên phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, số lượng người dân đi lại rất lớn. Bộ trưởng Phạm Thanh Long cho biết, đã đề nghị các địa phương thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo công tác chống dịch, tốt nhất là tổ chức đưa đón người dân trở về.
Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì không thể không có ca nhiễm, nhưng quan trọng là chúng ta kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong.