Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Giảm dần thời gian đóng BHXH có thể còn 10 năm

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2023 sẽ trình sửa Luật bảo hiểm xã hội, giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới 10 năm để lao động sớm hưởng lương hưu.

Mở màn cuộc đối thoại giữa Thủ tướng cùng lãnh đạo sáu bộ, ngành sáng 12/6, tại Bắc Giang và các điểm cầu, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà - HTX Mây tre lá Ba Nhất (TP.HCM) chia sẻ vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện còn nhiều bất cập.

Đặc biệt là thời gian đóng bảo hiểm 20 năm mới được hưởng lương hưu trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi công nhân lao động mới 40-45 tuổi.

Nữ công nhân đề nghị Chính phủ sớm sửa luật, bảo đảm quyền lợi của công nhân, hạn chế rút BHXH một lần.

Giải đáp câu hỏi, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cả nước hiện có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ hơn 20 triệu người có giao kết, hợp đồng lao động. Hơn 16 triệu người trong đó đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, tỷ lệ tham gia rất thấp.

Tình trạng người dân rút BHXH một lần thời gian qua là không tốt, gây hệ lụy lâu dài tới tương lai lao động lẫn chính sách an sinh.

Bộ trưởng cho rằng trước hết phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân và để hạn chế rút BHXH một lần thì cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng BHXH để người lao động hưởng lương hưu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo sẽ rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo được.

Luật sửa đổi cũng sẽ tạo cơ chế để khuyến khích lao động tham gia BHXH dài hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm việc lợi dụng lúc khó khăn để ép, mua bán chuyển đối sổ bảo hiểm xã hội.

Theo Đời sống
back to top