Sinh viên hỗ trợ công tác xét nghiệm Covid-19
PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng Bộ môn Vi sinh, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, các em tình nguyện viên dùng đúng chuyên môn của mình đã học, đặc biệt là những em có kinh nghiệm làm trong lab, để thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19.
Các em tình nguyện viên Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, tự nguyện hỗ trợ công tác xét nghiệm, thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. |
Các bạn tình nguyện sẽ lên kế hoạch thí nghiệm, phân tích và báo cáo kết quả; tiếp nhận mẫu xét nghiệm, đảm bảo an toàn về sinh học xử lý mẫu; xử lý mẫu; nhận và chuyển mẫu vào phòng xử lý mẫu…
“Chúng tôi thực hiện đăng ký và tổ chức các bạn sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y. Trong vòng 20 tiếng, tôi đã tiếp nhận 108 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh… Trước khi tham gia, chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và đội tình nguyện đều âm tính. Hiện tại các bạn đang tập trung tại Học viện Quân y phân hiệu phía Nam. Chúng tôi bắt đầu tập huấn trực tuyến và phân thành 4 đội chia làm 3 ca vì phòng xét nghiệm sẽ chạy liên tục 24/24”, PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng, đây thật sự là một trải nghiệm sẽ rất đặc biệt trong đời vì TPHCM hiện đang là nơi có số ca nhiễm Covid-19 cao. Số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng dự kiến sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Các bạn tình nguyện sẽ thực hiện xét nghiệm thực tế với công nghệ xét nghiệm sàng lọc realtime PCR.
Các bạn tình nguyện viên bắt đầu được phân thành 4 đội sẽ thực hiện xét nghiệm thực tế với công nghệ xét nghiệm sàng lọc realtime PCR. |
Dự kiến, cuối tuần này (10 và 11/7/2021) sẽ chạy thử các mẫu xét nghiệm đầu tiên với bộ kit AmphaBio HT-HiThroughput PCR Covid-19. Những ngày sau đó, phòng thí nghiệm dự kiến sẽ chạy được 100.000 mẫu xét nghiệm/ngày, tức là khoảng 10.000 mẫu ống. Các đội lấy mẫu ngoài cộng đồng sẽ chuyển mẫu về phòng thí nghiệm.
Khuếch đại mẫu và nhắm trúng 7 vùng gene biến đổi
Bộ kit xét nghiệm AmphaBio được xem giải pháp công nghệ xét nghiệm hàng loạt, giúp tiết kiệm nhiều lần chi phí trong sàng lọc virus SARS-CoV-2. Đây còn là kết quả đề tài nghiên cứu hợp tác giữa Học viện Quân y với Phòng khám Đa khoa Y dược Miền Đông Sài Gòn và Công ty Top Data Science (Helsinki, Phần Lan) do Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y, làm chủ nhiệm. Bộ kit xét nghiệm AmphaBio đã được đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào ngày 7/5/2021.
Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ và PGS.TS. Nguyễn Đức Hoàng tập huấn quy trình xét nghiệm hiệu năng cao cho nhân viên phòng xét nghiệm. |
Trung tá, TS.BS Hồ Hữu Thọ cho biết: “Bộ kit AmphaBio Covid-19 kết hợp kỹ thuật PCR và các thuật toán, trí tuệ nhân tạo (AI) và được chuyển giao cho công ty Ampharco U.S.A sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 13485. Thiết kế của bộ kit này có những chỗ khác biệt. Khác biệt thứ nhất là bộ kít có thể làm giàu tức là nhân bản virus có trong mẫu bệnh phẩm. Ví dụ, trong 1 mẫu chỉ có 1 con virus, bộ kit này có thể giúp tăng lên 10.000 lần. Do đó, cho dù gộp nhiều mẫu lại với nhau, thậm chí là 100 mẫu, chúng ta vẫn có thể phát hiện virus trong mẫu bệnh phẩm với nồng độ thấp hơn gần 7 lần giới hạn phát hiện của xét nghiệm tham chiếu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu không có công nghệ làm giàu virus, với nồng độ virus thấp mà còn gộp nhiều mẫu, khả năng chúng ta sẽ bỏ sót”.
Hiện nay, virus SARS-CoV-2 đã có rất nhiều biến chủng mới. Theo TS.BS Hồ Hữu Thọ, bộ kit AmphaBio được thiết kế đồng thời “nhắm trúng 7 vùng gene đích” giúp phát hiện hầu hết các trình tự virus SARS-CoV-2 đã được công bố cho đến nay.
“Nếu bộ kit chỉ nhắm 1 đích có thể chúng ta bắt trượt con virus đột biến đúng chỗ chúng ta nhắm vào. Trên thế giới, nhiều nơi cũng đã triển khai và sản xuất các bộ kít nhắm đến 2,3 đích để giảm thiểu nguy cơ này. Do đó, với 7 vùng gene đích thì các trình tự virus biến đổi dù ngẫu nhiên vẫn rơi vào tầm ngắm của AmphaBio. Theo ghi nhận, khi dịch lây lan càng nhiều thì đột biến virus có thể xuất hiện càng nhiều. Vì vậy, chúng tôi đã lên phương án dù virus đột biến tối đa 6 vùng gene đích khác nhau vẫn sẽ được phát hiện”, TS.BS Hồ Hữu Thọ cho biết.
Bộ kit xét nghiệm AmphaBio HT-HiThroughput PCR Covid-19 do Học viện Quân y nghiên cứu và phát triển đã được đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào ngày 7/5/2021. |
Bộ kit này cũng đã tham gia xét nghiệm trong đợt dịch vừa qua ở Bắc Giang. Kết quả rất tích cực. Trong thời gian chờ đợi miễn dịch cộng đồng được thực hiện nhờ chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 đại trà an toàn và hiệu quả, công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19 diện rộng được cho là vũ khí hữu hiệu để giúp truy vết, phát hiện sớm và khoanh vùng cách ly, ngăn ngừa lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2.