Theo đó, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian vừa qua nhiều dự án BOT đã được hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nơi dự án đi qua...
Tuy nhiên, cũng theo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo, tại một số trạm thu phí BOT, trạm bán quyền thu phí... còn xảy ra một số tồn tại. Cụ thể là chưa tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ GTVT, chưa nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ các dữ liệu thu theo quy định, đặc biệt là có hiện tượng che giấu doanh thu, trốn thuế...
Do đó, để chấn chỉnh các tồn tại trên, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với công tác tổ chức thu, công tác hạch toán và báo cáo doanh thu của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, qua đó phát hiện các tiêu cực và có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ GTVT đồng thời yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình dự án đối với các dự án BOT được giao quản lý. Khi cần có thể tạm dừng thu, dừng thu khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định của hợp đồng dự án và quy định của nhà nước.
Đối với các nhà đầu tư dự án BOT, Bộ GTVT yêu cầu chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước và của hợp đồng dự án trong quản lý thu, chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao dự án. Phải xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố... để không xảy ra tiêu cực trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải phối hợp với các cơ quan chức năng nơi đặt trạm để giữ gìn an ninh, trật tự trong thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc giao thông, không xảy ra hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu.