Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(khoahocdoisong.vn) - Theo nhìn nhận của Bộ Công An, Luật Giao thông đường Bộ năm 2008 có phạm vi điều chỉnh quá rộng, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần thiết phải được tách riêng thành 2 đạo luật độc lập.

Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2009) quy định về 2 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng một đạo luật. Đó là quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và lĩnh vực quản lý về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ngoài ra, chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh chuyên sâu về công tác trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tồn tại nhiều văn bản dưới Luật điều chỉnh, hướng dẫn như về tốc độ, khoảng cách xe cơ giới, hệ thống báo hiệu đường bộ...

Do đó, vấn đề quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông còn bị phân tán, chồng chéo, không có Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% đến 15%/năm. Tính đến 15/5/2019 số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên 4,1 triệu ô tô và trên 60 triệu mô tô.

Thực trạng tham gia giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều các loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ, xe 3 bánh, 4 bánh, xe tự chế…, có từ nhiều nguồn khác nhau.

Việc số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, không tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ dẫn đến hệ quả mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn.

Ngoài ra, kinh nghiệm lập pháp của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga, Australia, Mỹ, Anh, Singapore... thì các nội dung liên quan đến quản lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho thấy các nước này đều quy định trong đạo luật riêng, độc lập, còn những nội dung về xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải cũng có đạo luật riêng quy định.

Do vậy, Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là thực sự cần thiết.

Theo Đời sống
back to top