Bình Thuận tăng cường kiểm tra ATTP |
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Theo đó, các cơ quan quản lý khi tiếp nhận làm thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn phải kiểm tra kỹ đối với nội dung sản phẩm quảng cáo thuộc nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, nhất là nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…, phải có những giấy tờ liên quan chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo trước khi tiếp nhận hồ sơ.
Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các trường hợp quảng cáo các sản phẩm hàng hóa không đúng với nội dung đã thông báo hoặc quảng cáo không có giấy tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức, quy định của pháp luật và các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn; công khai và thông tin rộng rãi đối với các trường hợp, hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tế, cũng như mùa Lễ hội xuân 2020 ...; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hữu quan kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm
Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ du lịch: Tuyên truyền phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật cho người lao động ý nghĩa của việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bảo đảm những điều kiện vệ sinh ở cơ sở, nhất là khu vực nhà hàng, khu vực bếp; tổ chức cho nhân viên nhà hàng, bếp theo học các lớp kiến thức VSATTP, khám sức khỏe định kỳ theo quy định của ngành y tế… Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rảnh, rác thải, các công trình vệ sinh…). Hạn chế tối đa và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho du khách tại các cơ sở kinh doanh du lịch.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) Phan Thiết thanh kiểm tra 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 160 điểm thức ăn đường phố. Trong đó, phần lớn các điểm thức ăn đường phố đều đạt các tiêu chuẩn. Riêng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, có 82,6% số cơ sở vi phạm.
Nội dung vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm... Ngoài ra, một số cơ sở vi phạm quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu phải tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.
Được biết, Phan Thiết có khoảng 600 cơ sở dịch vụ ăn uống; 400 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thức ăn; gần 1.400 điểm bán thức ăn đường phố. Với đợt kiểm tra liên ngành trên, đoàn tập trung các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt, sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai…