Big Data: Có “nhiên liệu”, thiếu “cỗ máy” thì vô dụng

(khoahocdoisong.vn) - Doanh nghiệp Việt đang tiếp cận sâu hơn với “Big Data”, “dữ liệu” hay công nghệ 4.0 - những xu hướng phát triển của thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN không nên cố cấp tập theo kịp thời cuộc bằng mọi giá.

“Dữ liệu” chỉ là nhiên liệu

TS Hoàng Trung Kiên, giảng viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng khá nhạy cảm với các xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, nhất là trong thời đại thương mại điện tử. Khi mà cuộc sống số dẫn dắt người tiêu dùng thay đổi, các hoạt động của doanh nghiệp cũng thay đổi. Nhưng dù trong bất kỳ thời điểm nào, dữ liệu (data) luôn là căn cứ để DN ra quyết định và dẫn dắt hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, dữ liệu cũng chỉ là "nhiên liệu". Để đi tới thành công, ngoài nhiên liệu là cốt lõi, DN còn cần nhiều yếu tố khác. Big Data (BD) là nguồn dữ liệu khổng lồ được mang tới nhờ công nghệ 4.0. Căn cứ vào Big Data, doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu  và phân tích nó để ra những quyết định có tác động lớn tới sự sống còn của doanh nghiệp trong tương lai. Do vậy, có “nhiên liệu” mà không có “cỗ máy” để sử dụng thì “nhiên liệu” đó cũng trở nên vô dụng.

Theo TS Kiên, để tạo nên “cỗ máy” có thể sử dụng dữ liệu, đầu tiên phải tái thiết lại cơ cấu tổ chức. Thứ hai là phải tìm kiếm nhân tài. Thứ 3 chính là ứng dụng các loại công nghệ khác nhau để khai thác hiệu quả data mà DN có.

Nói đến Big Data không chỉ đơn thuần là nhắc đến khối lượng thông tin dự trữ khổng lồ mà còn là ý nghĩa thông tin, kiến thức rút ra từ nó. Kết quả phân tích rất bất ngờ khi những nhân viên có quá khứ rắc rối với pháp luật thường làm việc tốt hơn những người với bản lý lịch trong sạch. Những thành tích trong quá khứ lại không phải là thước đo chuẩn mực cho sự thành công của một người. Như vậy, big data cho DN hiểu hơn về nguồn nhân lực cần tuyển dụng. Hay bằng việc phân tích nguồn dữ liệu giao dịch, DN có thể biết được đối tượng khách hàng là ai, họ thường mua những gì, và xác định được nhu cầu của họ. Việc tìm ra được những mối liên hệ ngầm này mang lại giá trị tăng trưởng cho công ty.

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ - Walmart là một ví dụ điển hình. Qua phân tích dữ liệu, hãng này nhận ra rằng đa số những ông bố trẻ thường mua bia và tã cho trẻ em vào tối thứ 6, bởi họ thường ở nhà thay vì ra ngoài với bạn bè vào thời điểm này. Hiểu được hành vi này, Walmart cho xếp hai mặt hàng này gần nhau vào đúng tối thứ 6. Kết quả khảo sát cho thấy những ông bố rất hạnh phúc về sự tiện lợi này và chọn tới Wallmart vào các tối thứ 6. Câu chuyện cho thấy, big data mang đến cho DN những thay đổi hiệu quả trong kinh doanh nếu có “cỗ máy” phân tích và khai thác hiệu quả.

Như chúng ta đã biết, Big Data là một kho dữ liệu thông tin khổng lồ và phức tạp. Dữ liệu càng lớn càng phức tạp và nhiều thách thức cho DN. Các trung tâm lưu trữ big data là những nhà kho chứa dữ liệu. Do đó, việc xây dựng những trung tâm lưu trữ dữ liệu cần rất nhiều “chỗ chứa”. Duy trì những “nhà kho” tốn rất nhiều năng lượng. Vì vậy, cũng như các công nghệ mới khác, công nghệ phân tích Big Data cần thời gian để trường thành và dễ sử dụng cho các doanh nghiệp.

Hiện tại, môi trường, thể chế, công nghệ và nguồn dữ liệu tại Việt Nam chưa phát triển đồng bộ và đầy đủ, tương quan. Hệ thống Big Data ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh và chính xác, chưa kết nối. Do vậy, giá trị sinh ra nhờ việc phân tích Big Data không phải lúc nào cũng tốt. Thực tế trên thế giới cho thấy, việc phân tích Big Data không đúng cách hoặc sai dữ liệu có thể nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến DN như: truy cập dữ liệu, chính sách, bảo mật, an toàn hệ thống dữ liệu...

Chuẩn bị để có được sức bật

TS Hoàng Trung Kiên cũng cho rằng, ai cũng nói về tầm quan trọng của Big Data, nhưng nếu không có 5G thì nó cũng chỉ như một gã khổng lồ chậm chạp. Trong 5 năm qua, khu vực ASEAN rất tích cực trong việc triển khai các công nghệ mới nhất như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, điện toán đám mây và fintech. Tuy nhiên, để các công nghệ này thực sự đạt được tiềm năng tối đa của chúng, cần một nền tảng viễn thông với tốc độ cao hơn bây giờ rất nhiều. Đó chính là 5G. Vì vậy, các cường quốc chạy đua trong việc đưa 5G sớm triển khai nhằm tạo ra những hiệu quả to lớn về phát triển. Tuy nhiên, trong khi chờ hệ thống Big data cũng như môi trường kinh doanh, chính sách, công nghệ... của Việt Nam hoàn thiện, các DN chuẩn bị dữ liệu là cần thiết nhưng cũng không cần quá “ám ảnh”, “nóng vội”.

Ông Charles Ng - Phó chủ tịch mảng Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Appier chỉ ra rằng, DN cần sử dụng ngay từ bây giờ dữ liệu mà mình có trong lúc chờ đợi “cuộc chơi” big data. DN cần xây dựng “văn hóa dữ liệu” với sự thay đổi trong tư duy của lãnh đạo và toàn bộ nhân viên.Nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có được cơ sở hạ tầng dữ liệu tốt đủ để tạo nên Big Data. Tuy nhiên, thật ra các doanh nghiệp không cần phải chờ tất cả mọi thứ sẵn sàng mới có thể bắt đầu triển khai việc thu thập và phân tích dữ liệu. Các doanh nghiệp có thể bắt đầu nghĩ về việc thu thập lượng dữ liệu có sẵn từ website, từ ứng dụng hay từ hệ thống Quản lý quan hệ khách hàng của mình…

Dữ liệu có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Điều quan trọng là làm sao để đặt tất cả các dữ liệu vào cùng một nơi để có thể khai thác hiệu quả. Đây chính là bước quan trọng tiếp theo cần sự quyết tâm và nỗ lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo của Appier cho rằng, Hiện tại, Big Data vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt, nhưng thực trạng này sẽ nhanh chóng đảo ngược trong tương lai.

Nhìn chung, Việt Nam đang sở hữu những lợi thế rất tốt cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu bằng xây dựng Big Data. Tỷ lệ dân số sở hữu smartphone tại Việt Nam tăng nhanh qua các năm, rất thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu. Các công ty tại Việt Nam còn rất trẻ - chính vì thế có thể bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng mà không bị ảnh hưởng từ hệ thống cũ tồn tại trước đó. Đây cũng là lợi thế giúp các công ty trẻ tại Việt Nam có được sức bật nhanh chóng nếu được đầu tư tốt ngay từ đầu.

Các doanh nghiệp Việt cần xác định mình muốn gì và mục tiêu của việc sử dụng Big Data là để làm gì. Mỗi doanh nghiệp cần tìm hiểu xem doanh nghiệp mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình thu thập và triển khai Big Data. Doanh nghiệp có thể hợp tác với các nhà cung cấp khi doanh nghiệp thực sự sẵn sàng. Bởi lẽ việc tự mình xây dựng không phải điều dễ dàng nếu doanh nghiệp thiếu chuyên gia trong lĩnh vực này và cả công nghệ.

Theo Đời sống
back to top