Chương trình in tên khách hàng lên từng lon nước, tạo ra cơn sốt trên nhiều thị trường chủ chốt của hãng Coca - Cola nhờ xây dựng Big Data.
Dữ liệu là tài sản
Hãng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald, đã bỏ ra 300 triệu USD mua lại một startup về dữ liệu lớn của Israel chuyên về phân tích hành vi người dùng. Đây là nỗ lực của McDonald trong chuyển hướng từ tiếp thị đại chúng (mass marketing) sang cá nhân hóa đại chúng (mass personalisation). UPS - một tập đoàn toàn cầu về dịch vụ logistics, đã nhờ ứng dụng big data để đưa ra dự báo chính xác về số lượng xe tải hay máy bay chở hàng cần huy động trong tuần tới ngay khi nhận được đơn hàng của khách hàng qua email mà không cần phải cân đo trực tiếp từng kiện hàng như trước đây.
Tại Việt Nam, những doanh nghiệp lớn như Viettel, Vietnam Airline, Vingroup... hiện có cơ sở dữ liệu hàng chục triệu người dùng. Nếu được phân chia, sắp xếp theo độ tuổi, trình độ học vấn, vùng miền, thói quen mua sắm..., dữ liệu có thể tiết lộ những thông tin vô cùng quý giá về xu hướng mua sắm. Kho dữ liệu này có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm dịch vụ theo kiểu tùy chỉnh đến từng nhóm khách hàng với trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho từng nhóm khách hàng.
Big Data được hiểu “là tập hợp các dữ liệu số có khối lượng cực lớn, sở hữu bởi các công ty, chính quyền hoặc tổ chức khác, được xử lí nhờ vào các thuật toán để biến những dữ liệu thông tin ở trạng thái thô thành các dữ liệu thông tin có giá trị”. Big Data tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm với phát triển công nghệ. Sức mạnh ảnh hưởng của Big Data thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực kinh tế. Việc xử lý thông tin, nhất là thông tin liên quan đến nhu cầu khách hàng, cho phép các doanh nghiệp cải thiện rõ rệt các chiến lược thương mại và marketing. Nó cho phép dự đoán các xu hướng tương lai, thói quen tiêu dùng, cải thiện quan hệ với khách hàng, tăng khả năng tuyển dụng hiệu quả…
Theo nghiên cứu của Microsoft, chuyển đổi số cũng góp phần tích cực giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất lao động. Năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15% nhưng dự kiến đến năm 2020, con số này là 21%.
Dữ liệu được coi là nhiên liệu của nền kinh tế số. Chúng ta đang sống ở thời kỳ mà cứ mỗi phút lại có những khối lượng dữ liệu lớn được sản sinh ra từ các nền tảng xã hội, từ các cảm biến, từ hàng tỷ điện thoại thông minh trong tay người dùng toàn cầu. Những dữ liệu này thay đổi nhanh theo thời gian. Nếu năm 2010 dữ liệu trên toàn cầu được sinh ra chủ yếu từ các thiết bị di động thì năm 2015, dữ liệu sinh ra chủ yếu từ mạng xã hội và từ năm 2017 đến nay, nguồn phát sinh dữ liệu chính là các thiết bị IoT (kết nối vạn vật). Dự tính năm 2020 trên thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị IoT, chúng cung cấp những khối lượng dữ liệu khổng lồ về thời tiết, địa điểm, hình ảnh, âm thanh...
Với sự trợ giúp của công nghệ đám mây, các DN sẽ có khả năng khai phá và khai thác kho dữ liệu lớn giúp phục vụ hiệu quả cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải trí, học tập và y tế cho con người. Theo thống kê, lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam có thể lọt vào top 10 các quốc gia có tỉ lệ người dùng tiếp cận Internet khi đạt khoảng 76.6 triệu người dùng (80% dân số). Vì vậy, Việt Nam đứng trước một cơ hội vô cùng to lớn về khai thác "Dữ liệu lớn".
Chọn mua, hay chọn xây ?
TS Nguyễn Duy Tài, Giám đốc Chương trình đào tạo Truyền dữ liệu Mạng máy tính (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, hiện có rất nhiều hãng công nghệ đã phát triển và cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dữ liệu và cả công cụ phân tích dữ liệuy. Doanh nghiệp chỉ cần trả tiền cho lượng dữ liệu mà họ cần chứ không phải đầu tư vào hạ tầng tốn kém để thu thập quá nhiều dữ liệu không cần thiết.
Thậm chí, doanh nghiệp Việt có thể bắt đầu ngay việc khai thác dữ liệu khách hàng cho mình, bằng các chương trình tiêu dùng tích điểm, hay khách hàng trung thành. Đây cũng chính là chiến lược thu thập dữ liệu khách hàng mà Coca-Cola đã áp dụng thành công, vì hãng này vốn không bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng. Sau khi có được dữ liệu của hơn 20 triệu khách hàng trung thành, Coca-Cola đã có thể liên tục thử nghiệm các sáng kiến khác nhau nhằm tăng sự kết nối giữa thương hiệu và khách hàng. Ví dụ tung ra chương trình in tên khách hàng lên từng lon nước, tạo ra cơn sốt trên nhiều thị trường chủ chốt của hãng.
Đối với nhiều DN, tổ chức, thách thức lớn nhất là vấn đề là dữ liệu đang được thu thập và quản lý theo những cách khác nhau, ở các bộ phận khác nhau trong đơn vị. Các bộ phận khác nhau trong tổ chức, DN Việt Nam thường quản lý dữ liệu như những “hộp kín”, dẫn đến nguồn dữ liệu không được kết nối và chia sẻ để tạo khả năng dự báo, hay giúp DN vận hành hiệu quả hơn. Dữ liệu trong doanh nghiệp thường gồm các báo cáo kết quả kinh doanh, dữ liệu về tình hình xuất/nhập hàng hóa, mức độ quan tâm của khách hàng tới từng phân khúc sản phẩm,… Khi phân tích những dữ liệu này, doanh nghiệp sẽ đánh giá được tình hình của mình, dự báo về những biến động trong tương lai gần và đưa ra các giải pháp để cải thiện khả năng kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
Theo PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KHĐT), có bốn lợi ích mà dữ liệu lớn có thể mang lại. ĐÓ là cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tăng thời gian phát triển và tối ưu hóa sản phẩm, đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định đúng và hợp lý hơn. Và để khai thác được dữ liệu, trước tiên DN cần chú trọng đào tạo nhân lực và xây dựng công cụ tích tụ dữ liệu lớn. Dự báo 5-10 năm tới, ngành Big Data Việt Nam sẽ rất phát triển, thậm chí có thể cạnh tranh với một số nước trên thế giới.