Đó là thông tin PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM chia sẻ trong chương trình đào tạo Y học liên tục diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, ước lượng, thời gian đột quỵ các tế bào não bị chết đi tương đương với thời gian lão hóa của cơ thể. Khi mỗi người càng lớn tuổi thì tế bào não chết càng nhiều dẫn đến trí nhớ ngày càng giảm. Điều đó cho thấy, trong quá trình lão hóa bình thường, các tế bào não cũng chết đi nhưng khi bị đột quỵ chỉ trong một thời gian rất ngắn tế bào não đã mất đi quá nhiều.
“Mỗi phút trôi qua, bệnh nhân đột quỵ mất khoảng 2 triệu tế bào não. Nếu không được can thiệp kịp thời, chỉ vài giờ sau đột quỵ, một cô gái trẻ có thể sẽ trở thành bà lão, tuổi thọ rút ngắn khoảng 36 năm” - PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết.
Chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ tại bệnh viện. |
Ngoài sự suy giảm về trí nhớ thì cơ thể còn bị di chứng thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận động khiến việc đi lại trở nên khó khăn, chất lượng cuộc sống bị tác động tiêu cực. Thực tế trên khiến một người trẻ sau đột quỵ có thể có cuộc sống không bằng người đã lớn tuổi.
Để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ, PGS Huy Thắng khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện phương án phòng bệnh hơn chữa bệnh. “Những người có nguy cơ cao của bệnh đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có các bệnh lý nền khác cần chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ. Những người hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, dư cân cần bỏ thuốc, giảm rượu bia, thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học để tránh nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra”- PGS.TS Thắng khuyến cáo.
Người bị đột quỵ có thời gian 3 giờ vàng để được can thiệp tái thông mạch máu. Trên thực tế mỗi năm cả nước có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tuy nhiên, tỷ lệ được tái thông mạch máu chỉ chiếm khoảng 2%, số bệnh nhân đột quỵ 98% còn lại thường đối mặt với các di chứng nặng nề hoặc tử vong" - PGS.TS Nguyễn Huy Thắng.