Sau lũ, nguồn nước sạch bị ô nhiễm.
Phèn chua, cloramin B
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, ở những vùng bị lũ cô lập vẫn có thể tự lọc được nước từ nguồn nước xung quanh để tạm sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một phương pháp được sử dụng từ lâu là lấy nước vào thau, chậu, dùng phèn chua pha vào cho nước trong. Sau đó dùng cloramin B để khử khuẩn cho nước. Nước sau khi xử lý có thể uống ngay được. Lưu ý là nước khi đem vào lọc phải sạch rác, không bám lẫn nhiều gợn bẩn.
Khi dùng phèn chua và cloramin B (được bán nhiều ở các hiệu thuốc), dùng đúng theo chỉ dẫn. Không vì nước đầu vào bẩn hơn mà dùng nhiều hơn, vì dùng nhiều phèn thì nước sẽ chua, khó sử dụng. Cho cloramin B quá nhiều thì nước sẽ bị nhiễm mùi hắc, độc hại cho sức khỏe.
Theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, xử lý nước sau lũ cũng cần phải đúng phương pháp, sau khi dọn sạch bể thì phải sử dụng các biện pháp lắng, lọc như sử dụng cát, sỏi để nước chảy qua trước khi sử dụng để giảm đi những chất kết tủa bẩn có trong nước. Đối với nước ăn thường ngày thì nên sử dụng một ít muối hạt hoặc vôi cho vào nước để sát trùng, đảm bảo vệ sinh do nguồn nước ngầm lúc này cũng đã bị ảnh hưởng, ô nhiễm bởi nước mặt bị ngập trong một thời gian dài.
GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ Đời sống và Sản xuất cho biết, trong điều kiện xử lý nước bẩn thành nước sạch thông thường thì người ta dùng phèn chua cho lắng cặn, sau đó sẽ tiến hành sát trùng bằng cloramin B với liều lượng 2mlg/l để diệt khuẩn. Chờ khi clo bay hơi hết, khoảng 1 – 2 tiếng hoặc khi ngửi thấy nước hết mùi clo là có thể sử dụng được. Sau đó đun sôi để dùng làm nước uống.
Nếu không có cloramin B dự trữ thì có thể sử dụng nước tẩy Javen thay thế. Rất nhiều gia đình có thói quen tích trữ nước tẩy Javen trong nhà để tẩy đồ, trong trường hợp này có thế dùng nước Javen để lọc nước thay cho chế phẩm cloramin B.
Theo các chuyên gia, đây là giải pháp làm sạch nước có thể áp dụng trong điều kiện lũ lụt, tuy nhiên cũng không nên kéo dài việc sử dụng nguồn nước này bởi nó không có lợi cho da cũng như cho sức khỏe.
Lọc nước bằng quần áo cũ
Một số người dân vùng lũ do khan hiếm nước sạch nên sử dụng cách dùng vải lọc bỏ các lắng cặn nhiều lần rồi lấy nước đó dùng cho sinh hoạt, ăn uống. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, cách làm này giúp loại bỏ các thành phần rác lơ lửng trong nước, nhưng không thể khử khuẩn được. Do đó sau khi lọc phải dùng chế phẩm cloramin B sát trùng thì có thể yên tâm dùng nước được.
GS.TSKH Dương Đức Tiến cũng cho biết, nếu trong điều kiện nước lụt, không có các loại nguyên liệu trên thì có thể tự sáng tạo bằng cách tận dụng quần áo sạch để lọc. Lấy vải áo để vào một chiếc rổ hoặc rá, hứng xô nước phía dưới rồi đổ nước qua đó. Đầy xô nước thì giặt vải và tiếp tục lọc lần 2,3.
Cách này có thể lọc được các loại chất bẩn cơ bản có trong nước, sau khi để lắng cặn thì có thể dùng làm nước sinh hoạt được. Nếu có điều kiện thì cho một ít vôi vào để nước trong hoặc cho cloramin B vào khuấy đều sau 1 giờ là dùng được.
Hiện trên thị trường có bán một số sản phẩm máy lọc nước đơn giản. Chỉ cần đưa vòi hút nước là đầu ra có nước sạch vì bên trong vòi hút chứa phin lọc và chất tiệt trùng. Nước sau lọc có thể uống được ngay.
Tuy nhiên ở những vùng bị lũ cô lập, vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, thì việc mua được chiếc máy này cũng không đơn giản.
Ngoài ra, có một cách là tận dụng cây mồng tơi để làm sạch nước. Lấy cây và lá mồng tơi giã nhỏ rồi cho vào nước khuấy đều. Nhớt mồng tơi có tác dụng kéo chất bẩn lắng xuống dưới, sử dụng thay cho phèn hoặc nước Javen vì nó làm cho nước trong hơn.
Bảo Khánh