Lượng mưa thất thường
Tác động của BĐKH đến Việt Nam mang tính toàn diện, tuy nhiên do điều kiện địa hình của Việt Nam khá đa dạng, phong phú, vì thế tác động của BĐKH đến mỗi vùng miền có những đặc điểm và mức độ khác nhau.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Trung tâm Khoa học công nghệ – Khí tượng thủy văn và Môi trường, BĐKH làm cho lượng mưa biến đổi không nhất quán, có nơi tăng, nơi giảm.
Thực tế, lượng mưa tại Việt Nam phân bố không đồng đều, tập trung tại một vài địa phương và thường mưa vào một thời điểm nhất định. Điều này dẫn đến việc có nhiều địa phương khô hạn nặng vào mùa khô nhưng ngập lụt vào mùa mưa.
Cho nên, khi thời tiết trở nên cực đoan hơn do BĐKH, lượng mưa thay đổi, gia tăng các đợt lũ lụt và hạn hán cả về tần suất và mức độ, ảnh hưởng đến tính mạng của con người và gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế.
Số liệu năm 2017 cho thấy đã xuất hiện 40 đợt mưa vừa, mưa to trên phạm vi cả nước. Trong đó, 14 đợt mưa lớn gây lũ và lũ quét đã khiến trên 160 người chết và mất tích. Đấy là chưa kể thiệt hại do giông, lốc….
Trong khi đó, theo kịch bản trung bình, vào giữa thế kỷ 21, lượng mưa trung bình năm tăng trên cả nước với mức tăng từ 5 - 15 %. Mức tăng thấp nhất ở Nam Tây Nguyên, cao nhất ở Đông Bắc và phần Trung Bộ từ Thừa Thiên -Huế đến Bình Định, phố biến từ 10 - 30 %. Đến cuối thế kỷ, mức biến đổi của lượng mưa trung bình năm có phân bố tương tự với giữa thế kỷ, tuy nhiên, mức tăng cao hơn khoảng 5 %.
Khi BĐKH gâu ra sự nóng lên toàn cầu, kéo theo những biến đổi hoàn lưu khí quyển và đại dương, đặc biệt là hoàn lưu gió mùa và hoàn lưu nhiệt – muối. Tăng sự bốc hơi trên lục địa và đại dương dẫn đến tăng hàm lượng ẩm trong khí quyển và tăng hội tụ ẩm vận tải từ đại dương vào lục địa. ặc biệt là trong những trường hợp liên quan đến hoạt động của El Nino, La Nina đã làm thay đổi về hoàn lưu gió bao gồm cả những nhiễu động khí quyển, hàm lượng ẩm trong khí quyển và bốc hơi sẽ làm thay đổi về lượng mưa và phân bố mưa theo không gian và thời gian, dẫn đến những thay đổi trong chế độ thuỷ văn và tài nguyên nước cũng như thiên tai liên quan đến nước, ảnh hưởng đến hoạt động của các hồ chứa.
Trong một nghiên cứu mới đây, Cục Khí Tượng và Thủy Văn T.Ư Hoa Kỳ đã cho biết, trong những thập kỷ gần đây, 76% lượng nước biển ở độ sâu 2.000m đã gia tăng tốc độ chảy. Tuy chưa có nghiên cứu về hậu quả của hiện tượng này, nhưng chắc chắn hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố nhiệt và có thể ảnh hưởng đến hệ thống thời tiết.
Nan giải xâm nhập mặn
Xu thế nóng lên toàn cầu và nước biển dâng có thể khẳng định là xu thế bất khả kháng hiện nay. Sự nóng lên của Trái đất, băng tan đã dẫn đến mực nước biển dâng cao, kéo theo đó là sự xâm thực của nước mặn vào nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt cũng như nước và đất sản xuất nông - công nghiệp.
Trong một phân tích của Viện Các nguồn lực thế giới (WRI) có trụ sở ở Washington mới được công bố gần đây cho biết, nếu với tốc độ băng tan 2 cực như hiện nay, đến cuối thế kỷ XXI sẽ có khoảng 80 sân bay trên thế giới sẽ bị nhấn chìm.
Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã cảnh báo nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số (17 triệu người). Trong đó, khu vực ven biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng BĐKH và dâng cao của nước biển.
Hệ quả của nước biển dâng tại nước ta hiện hữu rõ ràng nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, hiện ranh mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào đất liền 55 - 110km, sâu hơn TBNN từ 25 - 35km.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2016.
Dự báo của ngành nông nghiệp cho thấy, mùa khô năm nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 136.000ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn, mặn, đồng thời, có hơn 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Đáng lo ngại là, với tốc độ xâm nhập mặn hiện nay, các dự báo trong và ngoài nước đều nhìn nhận, vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỷ USD.