Bị rắn độc cắn, bé trai bị rối loạn đông máu, bàn chân tổn thương nặng

Đang đi bộ chơi trong xóm, bé trai 8 tuổi (ở Sơn La) bất ngờ bị một con rắn độc cắn vào chân dẫn tới rối loạn đông máu, bàn chân tổn thương nặng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La), từ đầu tháng 5 tới nay, bệnh viện liên tiếp cấp cứu cho các trường hợp bị rắn độc cắn.

Mới đây, bệnh nhi H.A. P. (8 tuổi, trú tại Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La) được đưa vào cấp cứu vì rắn độc cắn.

Chân bệnh nhân nhi bị rắn độc cắn. Ảnh Vietnamnet

Chân bệnh nhân nhi bị rắn độc cắn. Ảnh Vietnamnet

Cháu P. kể lại, khi đang đi bộ chơi trong xóm thì bị rắn cắn vào chân. Khi bị rắn cắn, P. không nhớ rõ con vật như thế nào vì nó bò đi nhanh, P. bị đau và sợ hãi. Chỉ một vết cắn nhỏ nhưng ngay sau đó bàn chân bị rắn của P. đã bầm tím lại.

Bệnh nhi được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm mô tế bào mu bàn chân, rối loạn đông máu.

Một trường hợp khác là bà T.T.S. (60 tuổi) đang dọn dẹp đồ đạc trong nhà thì bị một con rắn khúc đen, khúc trắng cắn vào tay. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị nhiễm độc nọc rắn.

Ngoài ra, một trường hợp là thanh niên tại xã Lóng Sập, đi làm vườn bị rắn lục cườm cắn vào chân. Sau khi được người nhà đưa vào viện, bệnh nhân phải chuyển tuyến về Hà Nội cấp cứu.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thanh Hà, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, khi bị rắn rết cắn người dân không chủ quan cần phải vào viện ngay. Trong thời gian chờ sự giúp đỡ từ y tế, cần sơ cứu nạn nhân qua các bước sau:

Di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Điều chỉnh vị trí rắn cắn thấp hơn vị trí tim để giảm tốc độ di chuyển của nọc độc về tim.

Cởi bỏ hết trang sức kim loại, nới lỏng quần áo cho nạn nhân. Làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý, lau khô bằng gạc. Lưu ý, khi chưa xác định được loài rắn đã cắn nạn nhân, bạn không nên rạch vết thương để hút nọc độc vì sẽ gây nguy hiểm cho cả hai.

Theo Đời sống
back to top