Suốt nhiều năm qua, bí ẩn về sinh vật huyền bí Yeti đã khiến giới chuyên gia, nhà khoa học “đau đầu” đi tìm lời giải. Người tuyết khổng lồ này được miêu tả có ngoại hình giống vượn, cao tới 2m và sống ở khu vực dãy Himalaya của Nepal và Tây Tạng. Không ít người hoài nghi liệu sinh vật này có thật hay không do chưa tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của chúng.
Liên quan đến vấn đề này, nhóm các nhà nghiên cứu tại ĐH Buffalo, Mỹ cho biết, họ đã tiến hành phân tích mẫu ADN từ 9 mẫu vật (gồm các mẫu xương, răng, da, lông và phân) được cho là thuộc về người tuyết khổng lồ Yeti tại các bảo tàng và những bộ sưu tập cá nhân. Hầu hết các mẫu vật được tìm thấy trong các hang động xung quanh cao nguyên Tây Tạng.
Bí ẩn về sinh vật huyền bí Yeti đánh đố nhân loại suốt nhiều năm.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại ĐH Buffalo cho thấy 8 mẫu vật có nguồn gốc từ gấu đen châu Á, gấu nâu Tây Tạng và gấu nâu Himalaya. Duy nhất có một mẫu vật là của loài chó.
Tiến sĩ Charlotte Lindqvist, người đứng đầu cuộc nghiên cứu trên cho biết: “Phát hiện của chúng tôi hướng đến kết luận là nền tảng sinh học của sinh vật Yeti có thể được tìm thấy ở các giống gấu bản địa”.
Theo tiến sĩ Lindqvist, nếu người tuyết Yeti thực sự là một con gấu thì nghiên cứu trên là lối đi thú vị để tiếp cận những mẫu vật khó thu thập về loài gấu Himalaya. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này còn chứng minh người tuyết khổng lồ (Yeti) chỉ là một số loài gấu sống trên vùng núi Himalaya.
Phát hiện mới này còn giúp làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của các loài gấu châu Á. Cụ thể, gấu nâu sống trên các vùng cao thuộc cao nguyên Tây Tạng và gấu nâu ở các dãy núi tây Himalaya thuộc về hai cộng đồng khác nhau. Sự phân tách xảy ra cách đây 650.000 năm trong một kỷ băng hà. Hiện nay, loài gấu nâu Himalaya nằm trong sách đỏ của Liên minh quốc tế về bảo tồn tự nhiên, thuộc diện “cực kỳ nguy cấp”.
Theo Tâm Anh (Kiến Thức)