Bệnh viện đầu tiên lấy số khám chữa bệnh qua app

Không chỉ ứng dụng công nghệ thực hiện bệnh án điện tử giúp người bệnh tiết kiệm 12 phút/hồ sơ so với bệnh án giấy, Bệnh viện Thủ Đức còn lắp đặt công nghệ cho phép người bệnh có thể ngồi nhà đăng ký và lấy số khám chữa bệnh.

Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) là bệnh viện tuyến quận, huyện hạng 1 đầu tiên của cả nước và là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử.

Chấm dứt tình trạng người bệnh phải xếp hàng chờ đợi lấy số!?

TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, để mang lại tiện ích trong hoạt động khám chữa bệnh cho người dân, bệnh viện đang thí điểm chạy thử app tự đăng ký khám chữa bệnh cho người dân. Theo đó, bằng thiết bị công nghệ, người bệnh có thể tự đăng ký và lấy số khám bệnh, không cần trực tiếp đến bệnh viện.

TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức

TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức

Theo BS Trí Thanh, đây là giải pháp ứng dụng công nghệ hoàn toàn mới. Thông qua app được tải về trên điện thoại thông minh, người dân không cần đến bệnh viện, không cần tương tác với nhân viên y tế mà chỉ cần ngồi tại nhà để đăng ký khám bệnh. Người dân có thể đăng ký đúng chuyên khoa, đúng bác sĩ mình có nhu cầu khám theo ngày, giờ cụ thể.

"Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh check in tại phòng khám, người bệnh sẽ được hướng dẫn đến đúng khoa phòng mình đã đăng ký trước để gặp bác sĩ” – BS Thanh nói.

Đặt khám bệnh qua app có khả năng ứng dụng thực tiễn cao hơn rất nhiều so với phương án đặt lịch khám bệnh qua điện thoại mà nhiều bệnh viện đang triển khai. Bệnh viện TP Thủ Đức kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng người bệnh phải xếp hàng chờ đợi lấy số thứ tự từ mờ sáng, giảm tình trạng quá tải.

Thông qua app, các bệnh nhân cũng sẽ biết chính xác thời gian nhận kết quả cận lâm sàng, thời gian nhận toa thuốc, theo dõi lịch hẹn tái khám. Mặt khác, bác sĩ cũng sẽ theo dõi được quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân, từ đó có chỉ định điều trị trên phần mềm.

Trước đó, Bộ Y tế ban hành thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử có lộ trình 2 giai đoạn.

Cụ thể từ năm 2019 - 2023 các cơ sở khám chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Từ năm 2024 - 2028 tất cả các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thủ Đức

Phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thủ Đức

Bệnh án điện tử tiết kiệm 12 phút/hồ sơ so với bệnh án giấy

Theo BS Trí Thanh, hiện nay đã có hơn 70 quốc gia trên thế giới triển khai thống kê y tế điện tử thu thập số liệu thống kê y tế toàn dân. Nhiều quốc gia đang tích cực đầu tư vào công nghệ số, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế. Đặc biệt, Singapore, Canada, Mỹ và nhiều quốc gia đã xây dựng thành công hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân.

Bệnh viện Thành phố Thủ Đức là đơn vị đầu tiên trên cả nước được Bộ Y tế chọn thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và đang mang lại những hiệu quả khả quan. Đến nay, bệnh viện đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án bằng giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy, giúp lưu trữ lâu, tiết kiệm diện tích phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo…

Đặc biệt đáng chú ý khi kết quả khảo sát từ 124 bác sĩ, điều dưỡng cho thấy thao tác làm (nhập thông tin) bệnh án điện tử giảm thời gian rõ rệt so với bệnh án giấy, từ gần 31 phút xuống chỉ còn gần 19 phút. Nếu tính số lượng hàng ngàn bệnh án phải thực hiện mỗi ngày, số thời gian sẽ được tiết giảm rất đáng kể, chưa kể các tiện ích trong việc lưu trữ, truy xuất khi cần.

Song song đó, bệnh viện còn tiên phong áp dụng mô hình khoa khám bệnh thông minh giúp đa dạng hóa đăng ký khám chữa bệnh, phân loại người bệnh, giám sát tuân thủ phác đồ điều trị, trả kết quả lâm sàng, chống lãng phí và đặc biệt cảnh báo nhắc nhở về tương tác thuốc, chống chỉ định, giới hạn chỉ định lâm sàng, giá trần giá thuốc…

Với ứng dụng này, trung bình người bệnh đến khám, lãnh thuốc chỉ mất 80,1 phút; nếu thực hiện từ 2-3 kỹ thuật cận lâm sàng, khám và lãnh thuốc mất dưới 3 tiếng đồng hồ.

Theo ông Thanh, với hệ thống quản lý bệnh viện thông minh giúp việc quản lý khám chữa bệnh được chặt chẽ, nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính, nâng cao an toàn người bệnh và chất lượng bệnh viện.

Trong những năm qua, Bệnh viện TP Thủ Đức đã không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ để triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu như: phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp, đặt sten,… cứu sống nhiều người bệnh, hạn chế tình trạng chuyển tuyến góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Theo Đời sống
back to top