Bệnh tiểu đường kèm tăng huyết áp

Bệnh tiểu đường kèm tăng huyết áp là chứng bệnh thường gặp ở nhiều người. Vì vậy, cần kiểm soát tốt cân nặng, thăm khám định kỳ để phòng bệnh.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Hỏi: Bố tôi vốn huyết áp thấp và bị tiểu đường mấy năm nay, vừa rồi đi khám phát hiện huyết áp cao. Vậy bệnh tiểu đường có làm cao huyết áp không?

Trần Văn Bình (Hải Phòng)

BSCKII Mai Thị Minh Hậu, Trưởng Khoa nội tiết, Bệnh viện 19.8 (Bộ Công An): Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không thể chuyển hóa đường thành năng lượng, và do đó đường vẫn còn trong máu thay vì đi đến các tế bào và sau đó đi vào trong nước tiểu và đi ra khỏi cơ thể.

 Người bị đái tháo đường có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn trên nền các bệnh lý khác. Ngược lại, huyết áp cũng làm bệnh đái tháo đường nặng hơn và dễ xảy ra biến chứng. Trong đó, tỉ lệ tăng huyết áp ở người đái tháo đường cao gấp 2 lần so với người không bị đái tháo đường.

Ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1, tăng huyết áp thường là hậu quả của biến chứng thận. Còn ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp có thể xuất hiện trước khi bị đái tháo đường. Lúc này, bệnh nhân đái tháo đường kèm tăng huyết áp không những làm cho bệnh nặng hơn mà còn làm cho tỷ lệ bệnh mạch vành và đột qụy tăng gấp 2- 3 lần so với người không bị đái tháo đường. Trong đó, tăng huyết áp và đái tháo đường đều là yếu tố nguy cơ cho bệnh lý mạch máu như bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi, bệnh võng mạc mắt, bệnh thận, bệnh lý thần kinh… Do đó, khi bị cao huyết áp, người bệnh cần khám tổng thể các cơ quan khác như thận để phòng tránh các nguy cơ.

Theo Đời sống
back to top