Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu cho phần còn lại của cơ thể và cũng là biến chứng phổ biến, nghiêm trọng nhất thường xảy ra sau một cơn đau tim. Người bị suy tim thường khó thở và mệt mỏi, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Những người bị suy tim thường cũng bị suy giảm chức năng thận, có thể gây ảnh hưởng xấu đến tiên lượng bệnh.
Mới đây, kết quả đầy đủ của nghiên cứu EMPEROR-Reduced pha III ở người trưởng thành bị suy tim với phân suất tống máu giảm, có và không có đái tháo đường vừa được công bố. Kết quả này cho thấy empagliflozin làm giảm đáng kể 25% nguy cơ tương đối về các tiêu chí lâm sàng chính như thời gian dẫn đến tử vong do tim mạch hoặc nhập viện vì suy tim. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc thêm empagliflozin (10mg) so với giả dược trên nền điều trị chuẩn. Kết quả do Boehringer Ingelheim và Eli Lilly and Company (NYSE: LLY) công bố đã được trình bày tại Hội nghị ESC 2020, cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu, được đăng tải trên tạp chí The New England Journal of Medicine vào cuối tháng 8/2020.
Kết quả của tiêu chí chính nhất quán ở các phân nhóm có và không có đái tháo đường týp 2. Các phân tích chính theo tiêu chí phụ từ nghiên cứu đã chứng minh rằng empagliflozin làm giảm 30% nguy cơ nhập viện lần đầu và tái nhập viện vì suy tim. Ngoài ra, tỷ lệ suy giảm eGFR (một phương pháp đo lường sự suy giảm chức năng thận) chậm hơn ở nhóm sử dụng empagliflozin so với giả dược.
Kết quả từ nghiên cứu EMPEROR-Reduced cho thấy, khi được sử dụng cho người trưởng thành bị suy tim với phân suất tống máu giảm, empagliflozin giúp làm giảm số ca nhập viện vì suy tim, đồng thời làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận. Tại Việt Nam và ước tính có khoảng 7% bệnh nhân trên 60 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh suy tim và 15% tổng số ca nhập viện là do căn bệnh này. Kết quả từ nghiên cứu EMPEROR-Reduced mang đến thêm một bước đột phá trong điều trị bệnh suy tim giảm phân suất tống máu, nhờ đó có thể giảm nguy cơ nhập viện do suy tim hoặc tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch.