Bệnh lạ xuất hiện, lây lan nhanh trên trâu bò

(khoahocdoisong.vn) - Viêm da, nổi u cục trên trâu bò là một loại bệnh truyền nhiễm mới chỉ có thể được khống chế khi tiêm văcxin đặc hiệu.
Bệnh nổi u cục trên trâu bò.

Bệnh nổi u cục trên trâu bò.

Trâu bò bỗng dưng nổi u cục, lăn ra chết

Hiện tượng trâu bò bỗng dưng nổi u cục rồi lăn ra chết xuất hiện thời gian gần đây ở Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nam Định… Ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn đang xuất hiện dịch bệnh lạ ở trâu, bò. Cơ quan chuyên môn xác định đây là bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Tĩnh. Ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện đầu tiên tại xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) vào ngày 5/12/2020. Những con bò mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt cao, trướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Sau nhiều ngày, những cục sần bắt đầu hoại tử khiến trâu, bò bị chết.

Tại Quảng Bình, bệnh viêm da nổi cục mới xuất hiện và lây lan nhanh cho hơn 110 con trâu, bò tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 25/2, có 2 trong tổng số 110 con trâu, bò nhiễm bệnh bị chết đã được tiêu hủy. Sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn trâu bò tại xã Đồng Hóa và Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa….

Theo Cục Thú y, Bộ NN&PT NT, bệnh viêm da nổi cục (Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virrus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Bệnh xuất hiện ở Việt Nam từ giữa năm 2020. Virrus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Văcxin là giải pháp duy nhất

Ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet (Amavet) cho biết, ngay khi dịch bệnh xuất hiện vào tháng 10/2020, Bộ NN&PTT và Cục Thú y đã vào cuộc rất quyết liệt và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam. Theo đó chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, văcxin đã được nhập về đến Việt Nam. Văcxin Lumpyvac do Công ty Vetal Animal Health Product S.A, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được sử dụng để bảo vệ gia súc chống lại bệnh viêm da nổi cục (LSD) và giảm tỷ lệ tử vong và tổn thương do bệnh gây ra.

Tại Sơn La, đến nay, sau gần 3 tuần tiêm thí điểm ở Sơn La, về cơ bản tất cả biểu hiện lâm sàng trên đàn bò được tiêm vacxin đểu ổn định, sức khỏe tốt, đặc biệt là không ảnh hưởng đến sản lượng sữa cũng như đối tượng bò con, bò đang mang thai (đối với bò sữa).

Ông Nguyễn Văn Bách cho biết, dữ liệu khoa học học từ trước cho đến nay cho thấy, tiêm chủng là phương pháp hiệu quả nhất trong việc chống lại bệnh LSD. Dữ liệu thu được từ việc tiêm phòng ở các nước có bệnh LSD cho thấy xác suất mắc bệnh ở gia súc không được tiêm phòng cao hơn 5 lần. Các kết quả sử dụng văcxin Lumpyvac, chủng LSD neethling ở Thổ Nhĩ Kỳ được coi là biện pháp bảo vệ hiệu quả hơn với bệnh LSD. Trong tiêm chủng với virus LSD, miễn dịch tế bào về cơ bản được kích hoạt và phản ứng miễn dịch đặc trưng bởi sự quá mẫn rất rõ, có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm dị ứng trong vòng khoảng 30 ngày.

Cục Thú y khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh gồm chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh, tiêm phòng cho trâu, bò, vệ sinh, tiêu độc khử trùng và tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruỗi, muỗi, côn trùng hút máu…) tại khu vực chuồng nuôi...

Theo Đời sống
back to top