Từ một thực tế mà ai cũng thấy là bất cập, đó là nông sản Việt toàn xuất thô giá rẻ, rất lãng phí, ông đã tìm cách sản xuất ra sản phẩm cao cấp hơn. Đó là sự bức xúc của tâm huyết, của sáng tạo.
Hình minh họa
Bức xúc, thì ngày nào chúng ta chả bức xúc. Tắc đường thì bức xúc vì giao thông đô thị kém, quản lý kém, ý thức người dân kém. Mưa ngập thì bức xúc đằng mưa ngập. Nắng nóng thì bức xúc vì nắng nóng. Thi cử điểm thấp thì bức xúc đằng điểm thấp, điểm cao cũng trượt thì bức xúc đằng điểm cao…
Tóm lại là cái gì cũng bức xúc được mà lại thấy cái sự bức xúc của mình là rất chính đáng. Dường như nó lại thành ra bệnh dịch, lan nhanh trong xã hội, nhất là trong cộng đồng mạng.
Mãi rồi cũng thành quen. Nhiều khi đọc mà thấy buồn cười. Chúng ta cứ như người đứng ngoài, bàng quan nhìn sự việc để mà bình luận rất hùng hồn, để tự lừa dối rằng mình biết bức xúc tức là mình không vô cảm.
Nhưng lại chẳng bắt tay vào làm một cái gì để thay đổi những điều đó cả. Môi trường bẩn ư? chẳng phải việc của ta. Thậm chí thấy bẩn còn vứt thêm ra cho bẩn luôn một thể. Chứ không phải mình đang sống trong chính môi trường đó, hít thở bầu không khí đó, là một phần của chính nó. Bức xúc mà chính bản thân mình không làm gì để thay đổi thì chỉ là một thứ bức xúc tiêu cực, yếm thế, bỏ đi. Bức xúc để mong người khác làm hộ mình chăng?
Thế nên, việc làm của ông Việt kiều chocolate kia liệu có khiến chúng ta thức tỉnh ra một điều là: thay vì bức xúc, hãy tự tay làm một điều gì đó, nhỏ thôi, có thể nó sẽ tạo nên một sự thay đổi mà ta không thể ngờ tới.
Cúi xuống chân mình nhặt một mẩu rác, từ những củ khoai củ sắn, từ quả vải quả nhãn của quê mình… hãy làm ra những sản phẩm gì đó chưa có trên thị trường. Khó khăn, vất vả đấy, có thể chưa chắc đã thành công đâu, nhưng ít nhất nó cũng khiến ta cảm thấy mình là người trong cuộc.
Giá mà mỗi bức xúc đều cho ra đời một sản phẩm gì đó như những thanh chocolate kia thì sẽ thật tuyệt vời.
Minh Anh