Bé gần 2 tuổi bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi

Thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, Khoa Tim mạch-Lồng ngực của bệnh viện vừa tiếp nhận trẻ em có biểu hiện ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin 0,05%.

Bệnh nhi N.M.T (20 tháng tuổi) nhập viện tối ngày 25/11 trong tình trạng li bì, mệt mỏi, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, nhịp tim chậm.

Theo gia đình bệnh nhi, trước khi vào viện, gia đình rửa mũi cho trẻ bằng thuốc nhỏ mũi mua tại hiệu thuốc. Sau khoảng nửa giờ, trẻ xuất hiện các triệu chứng nêu trên, gia đình đưa trẻ tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cấp cứu ngay.

Cảnh báo ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ (Ảnh minh hoạ)

Cảnh báo ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ (Ảnh minh hoạ)

Qua hỏi và thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin 0,05%, được xử trí ủ ấm, truyền dịch, lợi tiểu, theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. 6 giờ sau khi nhập viện, tình trạng bệnh nhi ổn định và không còn các triệu chứng nguy hiểm.

Theo các bác sĩ Khoa Tim mạch Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, thời tiết thay đổi, trẻ em dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi họng cấp, viêm thanh quản cấp, biểu hiện phổ biến là ho, sổ mũi… Một số gia đình tự mua thuốc nhỏ mũi tại quầy thuốc về sử dụng cho trẻ. Tuy nhiên lọ thuốc nhỏ mũi Naphazolin 0,05% có bao bì gần giống với lọ nước muối sinh lý Natriclorid 0,9%. Vì vậy, nếu không để ý kĩ có thể nhầm lẫn và sử dụng sai cách, điều đó rất nguy hiểm.

Naphazolin là loại thuốc nhỏ mũi được dùng phổ biến hiện nay. Thuốc có tác dụng làm giảm ngay tình trạng nghẹt mũi nhờ cơ chế co mạch tại chỗ, giảm sưng và xung huyết khi nhỏ hoặc xịt mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng chỉ định hoặc quá liều sẽ gây nên tình trạng ngộ độc.

Biểu hiện ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin bệnh nhân có triệu chứng xuất hiện sớm trong vòng 2 giờ; li bì, ngủ gà, hôn mê; xanh tái, tay chân lạnh, nhịp tim chậm, tăng huyết áp; thở chậm, thở không đều, có cơn ngừng thở; hạ thân nhiệt.

Để tránh những tác hại nguy hiểm khi dùng thuốc nhỏ mũi naphazolin, theo các bác sỹ người bệnh nên tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý dùng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Theo Đời sống
back to top