Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ vừa tiếp nhận người bệnh Đ.V.H (40 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) trong tình trạng nguy kịch sau khi uống 2 cốc rượu ngâm củ ấu tàu.
Theo người nhà, bệnh nhân sau khi uống 2 cốc rượu ngâm củ ấu tàu, bắt đầu xuất hiện mệt lả, tê lưỡi, nôn nhiều, không đứng vững, sau đó gia đình đã đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê thăm khám.
Rượu ngâm củ ấu tàu - Ảnh minh họa |
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, người bệnh nhập viện trong tình trạng tỉnh, tê lưỡi, xuất tiết nhiều đờm dãi, điện tâm đồ có loạn nhịp ngoại tâm thu thất đa ổ. Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định truyền dịch, dùng thuốc chống loạn nhịp, rửa dạ dày và theo dõi 24/24h.
Một tiếng sau khi nhập viện, tình trạng người bệnh tiến triển nặng lên, bệnh nhân lơ mơ, co cứng cơ toàn thân, kíp cấp cứu nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, thở máy. Sau 30 phút, người bệnh mất hoàn toàn ý thức, điện tâm đồ trên monitor nhịp nhanh thất sau đó chuyển rung thất, nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ tập trung cấp cứu, sốc điện ngoài lồng ngực. Sau quá trình cấp cứu khẩn trương, liên tục, nhịp tim trở về nhịp xoang, 6 giờ sau người bệnh tỉnh lại, tự thở và được rút ống nội khí quản, các chỉ số sinh tồn trở về bình thường.
Bác sỹ Hà Huy Mến, Phó Trưởng khoa, phụ trách khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, củ ấu tàu có chứa độc tố Aconitin, đây là chất rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.
“Người dân không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố, không được uống rượu ngâm củ ấu tàu vì dễ bị ngộ độc dẫn đến nguy cơ tử vong. Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng”, bác sỹ Mến cho biết thêm.